Vì Sao Càng Lớn Tuổi Càng Khó Mang Thai?

Jul 23, 2024

https://reliable-friends-900b141288.media.strapiapp.com/71_0308f86d51.webp

Xu hướng ở xã hội hiện đại là việc kết hôn, cũng như sinh con, xảy ra muộn hơn so với những thể hệ trước. Về mặt y học, phụ nữ trên 35 tuổi được coi là sinh con ở độ tuổi cao, và có thể đối mặt với việc khó mang thai hoặc tỷ lệ sẩy thai cao. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về mối liên quan giữa tuổi tác và khả năng mang thai, cũng như những rủi ro liên quan đến việc mang thai ở độ tuổi cao.

Mục lục

  • Ảnh hưởng của tuổi tác tới khả năng mang thai
  • Ảnh hưởng của tuổi tác tới khả năng sảy thai
  • Rủi ro khi sinh con ở độ tuổi cao
  • Việc điều trị nên được thực hiện từ sớm

Ảnh hưởng của tuổi tác tới khả năng mang thai

Nếu một cặp vợ chồng khỏe mạnh, không có vấn đề gì về khả năng sinh sản, và dự đoán ngày rụng trứng để quan hệ, thì tỷ lệ có thai tự nhiên trong mỗi chu kỳ là 20-25%. Nếu tiếp tục cố gắng trong một thời gian, nhiều tính toán cho rằng cơ hội thụ thai thành công sẽ là 80% trong vòng sáu tháng, và 90% trong vòng một năm.

Tuy nhiên, sau 35 tuổi, tỷ lệ có thai tự nhiên trong mỗi chu kỳ giảm xuống còn 18%. Khi bước sang tuổi 40, tỷ lệ này giảm xuống còn 5%, và sau 45 tuổi, chỉ còn khoảng 1%.

Nếu tính trong khoảng thời gian 1 năm, tỷ lệ mang thai của phụ nữ khỏe mạnh ở độ tuổi 20 gần như là 100%, tuy nhiên ở cuối độ tuổi 30 tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn khoảng 60%.

Ảnh hưởng của tuổi tác tới khả năng sảy thai

Khi bạn trở nên lớn tuổi, không chỉ có khả năng sinh sản suy giảm, mà nguy cơ sảy thai cũng sẽ tăng lên. Phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến cuối 30 có 20% nguy cơ sảy thai, nhưng sau 40 tuổi, nguy cơ sảy thai tăng nhanh, và cao hơn gấp đôi so với phụ nữ ở độ tuổi 20.

Rủi ro khi sinh con ở độ tuổi cao

Về mặt y học, sinh con khi trên 35 tuổi được gọi là “sinh con ở độ tuổi cao”. Chúng ta đang sống trong thời đại mà việc phụ nữ sinh con lần đầu sau 35 tuổi không phải là hiếm gặp, tuy nhiên có một số điều bạn nên lưu ý nếu có dự định mang thai và sinh con ở độ tuổi ngoài 30.

Tăng nguy cơ sinh non, sinh khó hoặc sảy thai

Khi bạn đã ngoài 30, nguy cơ sinh non, sinh khó hoặc sảy thai sẽ tăng lên. Tỷ lệ sảy thai gia tăng là do tần suất xảy ra nhiễm sắc thể bất thường ở trứng tăng lên. Ngoài ra, ống sinh, mạch máu, và cổ tử cung cũng dần trở nên kém co giãn, gây nên tình trạng khó sinh. Việc em bé khó ra ngoài sẽ gây áp lực rất lớn cho cơ thể người mẹ trong quá trình sinh nở.

Tăng nguy cơ cao huyết áp hoặc tiểu đường do thai kỳ

Hội chứng tăng huyết áp thai kỳ là tình trạng huyết áp cao xảy ra trong thai kỳ, gây tổn thương nhiều cơ quan nội tạng, trong đó có thận. Mặt khác, bệnh tiểu đường thai kỳ là một căn bệnh do mang thai gây ra, và có các ảnh hưởng tương tự như bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể dẫn đến đa ối và nhiều biến chứng khác nhau, đồng thời có thể ảnh hưởng tiêu cực đến em bé trong bụng mẹ.

Tăng khả năng sinh con có nhiễm sắc thể bất thường

Một mối lo ngại khác về việc sinh con ở độ tuổi cao, là khả năng sinh con có bất thường về nhiễm sắc thể sẽ tăng lên. Đặc biệt, nghiên cứu chỉ ra rằng xác suất sinh con mắc hội chứng Down có xu hướng tăng theo độ tuổi của người mẹ: khoảng 0,1% ở độ tuổi 20, 0,3% ở độ tuổi 30, và 1% ở độ tuổi 40.

Việc điều trị nên được thực hiện từ sớm

Phụ nữ ngoài 30 mong muốn có con có thể đối mặt việc khó mang thai, hoặc tỷ lệ sẩy thai cao. Khi trở nên lớn tuổi, nguy cơ mắc các bệnh về tử cung cũng sẽ tăng lên, và khiến cho việc điều trị vô sinh hay kế hoạch mang thai càng bị trì hoãn. Nếu bạn mong muốn có thai trong tương lai, hãy cân nhắc kỹ mốc thời gian phù hợp, và lưu ý rằng mọi việc điều trị đều đem lại hiệu quả cao hơn nếu được thực hiện từ sớm.