Đề Phòng Ngay Những Rủi Ro Trong Thời Kỳ Đầu Mang Thai
Jul 22, 2024
Nhiều phụ nữ khi mới mang thai vẫn còn chưa biết rõ về những điều cần lưu ý trong giai đoạn này. Để giúp các bạn có một thai kỳ khỏe mạnh, chúng tôi sẽ giải thích về những rủi ro có thể xảy ra trong giai đoạn đầu của thai kỳ, cũng như biện pháp phòng tránh mà mọi thai phụ có thể áp dụng.
Mục lục
- Những điều cần lưu ý trong thời kỳ đầu mang thai
- Rủi ro trong thời kỳ đầu mang thai
- Kết luận
Những điều cần lưu ý trong thời kỳ đầu mang thai
Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, phôi thai mới được hình thành trong tử cung, do đó cơ thể người mẹ cũng trở nên mỏng manh hơn so với bình thường. Vì vậy, chế độ ăn uống, luyện tập thể dục, hay các hoạt động hàng ngày, đều đòi hỏi một cách tiếp cận khác so với trước đây.
Ví dụ, bạn nên tuyệt đối tránh uống rượu, nước tăng lực, hoặc ăn đồ sống chưa qua chế biến. Nguyên nhân là do rượu có thể gây nên nhiều tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi, thực phẩm sống làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và virus, còn nước tăng lực thì chứa nhiều caffeine và chất kích thích. Ngoài ra, để giảm bớt gánh nặng lên cơ thể, thai phụ cần tránh việc vận động quá sức.
Rủi ro trong thời kỳ đầu mang thai
Hai rủi ro chính đối với thai phụ trong thời kỳ đầu mang thai là nguy cơ dọa sẩy thai và nguy cơ chửa ngoài tử cung.
Một số phụ nữ khi bắt đầu bị ốm nghén, có thể cảm thấy chán ăn, dẫn tới mất nước và suy dinh dưỡng. Tuy không nhất thiết phải ép bản thân ăn quá nhiều, bạn nên cố gắng ăn đủ bữa, và nạp đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
1. Nguy cơ dọa sảy thai
Dọa sảy thai là tình trạng tử cung bị chảy máu một lượng nhỏ, tuy nhiên nhịp tim và mạng sống của thai nhi vẫn được duy trì ổn định. Trên thực tế, điều này được cho là xảy ra ở khoảng 20% phụ nữ mang thai trước 12 tuần đầu của thai kỳ.
Khi lượng máu chảy ra quá nhiều, hoặc chảy máu kèm theo đau bụng dữ dội, khả năng sảy thai trở nên vô cùng cao. Dù vậy, ngay từ đầu nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do bất thường về nhiễm sắc thể ở thai nhi, do đó hầu như người mẹ không thể làm gì để khắc phục.
Hiện tại, không có loại thuốc nào được chứng minh là có hiệu quả, vì vậy việc tốt nhất bạn có thể làm là tránh tập thể dục quá sức và tránh tích tụ căng thẳng.
Một triệu chứng khác có liên quan được gọi là "chảy máu cấy ghép". Đây là tình trạng chảy máu một lượng nhỏ ở tử cung, xảy ra khi phôi thai được cấy ghép vào thành tử cung. Nếu bạn phát hiện mình bị chảy máu quá nhiều, bị đau, hoặc cảm thấy lo lắng, chúng tôi khuyên bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ phụ khoa càng sớm càng tốt.
2. Nguy cơ chửa ngoài tử cung
Trong một thai kỳ bình thường, trứng và tinh trùng thụ tinh bên trong ống dẫn trứng và phôi thai sau đó được cấy ghép vào niêm mạc tử cung. Hiện tượng "chửa ngoài tử cung" dùng để chỉ việc mang thai, trong đó trứng đã thụ tinh (phôi thai) làm tổ ở một nơi nào đó ngoài nội mạc tử cung. Tình trạng này được cho là xảy ra ở khoảng 1% phụ nữ mang thai.
Nguyên nhân có thể là do ống dẫn trứng bị viêm do nhiễm khuẩn chlamydia, hoặc bệnh lậu. Khi ống dẫn trứng bị thu hẹp, trứng đã thụ tinh không thể đi qua để vào trong tử cung.
Nếu không thể nhìn thấy túi thai trong tử cung khi khám phụ khoa lần đầu, thì có khả năng cao thai phụ đang mang thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, không phát hiện túi thai cũng có thể do bạn đi siêu âm quá sớm khi túi thai chưa kịp hình thành, khi này bạn nên tới khám lại sau một tuần.
Việc phòng ngừa bệnh từ sớm là quan trọng hơn cả, do đó bạn cần chú ý tới việc giữ vệ sinh và ngăn ngừa nhiễm trùng. Nếu đã lỡ để tình trạng này xuất hiện, bạn nên đi khám và tiếp nhận điều trị từ sớm để tăng khả năng chữa khỏi thành công.
Kết luận
Phụ nữ trong thời kỳ đầu mang thai nên nhận thức được và cẩn thận với hai rủi ro là dọa sảy thai và chửa ngoài tử cung. Bạn nên chú trọng từ việc ăn uống, tập luyện, hay các sinh hoạt hàng ngày khác. Nếu cảm thấy lo lắng, hoặc phát hiện điều gì đó bất thường, hãy tham khảo ngay ý kiến của các bác sĩ phụ khoa.