Tác Hại Của Việc Ăn Kiêng Quá Mức

Jul 24, 2024

https://reliable-friends-900b141288.media.strapiapp.com/200_6f6cce9b38.webp

Mục lục

  • Thế nào là ăn kiêng quá mức?
  • Những rủi ro tiềm ẩn của việc ăn kiêng quá mức
  • Đặc biệt chú ý đối với thanh thiếu niên
  • Kết luận

Chắc hẳn không ít bạn đã từng thử qua các thực đơn giảm cân khắt khe, với mong muốn giảm được nhiều cân trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, việc ăn kiêng quá mức này là rất có hại cho cơ thể. Nếu bạn đang cân nhắc bắt đầu một thực đơn ăn kiêng, hoặc đang trong quá trình ăn kiêng, hãy tham khảo bài viết này trước khi đưa ra quyết định nhé!

Thế nào là ăn kiêng quá mức?

Ăn kiêng quá mức ở đây được hiểu là các phương pháp ăn kiêng nhằm giảm cân nhanh chóng, bằng cách cắt bỏ hoàn toàn hoặc một phần các thực phẩm và nhóm chất dinh dưỡng chính. Phương pháp này không những nguy hiểm cho cơ thể, mà còn không mang lại hiệu quả giảm cân lâu dài. Loại ăn kiêng này rất khó để duy trì, và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe ngay cả khi chỉ thực hiện trong khoảng thời gian ngắn.

Những rủi ro tiềm ẩn

① Thiếu chất dinh dưỡng

201.webp

Khi bạn thực hiện chế độ ăn kiêng, và cắt giảm một phần hoặc toàn bộ một nhóm chất dinh dưỡng nào đó, chẳng hạn như tinh bột hoặc chất béo, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu năng lượng và thiếu dinh dưỡng. Để bù đắp cho phần năng lượng thâm hụt, cơ thể sẽ bắt đầu lấy năng lượng từ các mô quan trọng, ví dụ như cơ bắp. Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến việc giảm khối lượng cơ và mật độ xương. Hơn nữa, khi khối lượng cơ giảm, tốc độ trao đổi chất cũng sẽ giảm theo, khiến cho cơ thể bạn dần trở nên khó giảm cân hơn. Do đó, việc ăn kiêng quá độ có thể trở nên phản tác dụng, khiến bạn dễ tăng cân hơn về lâu về dài.

Ngoài ra, khi bạn cắt giảm quá mức lượng thực phẩm nạp vào, cơ thể sẽ dễ trở nên thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết như canxi, vitamin và khoáng chất. Kết quả dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe như mệt mỏi, suy nhược và thiếu máu.

② Rối loạn ăn uống (Eating Disorder)

Khi cố gắng ăn kiêng bằng cách nhịn ăn hoặc kìm nén sự thèm ăn của bản thân, thói quen cũng như tư duy của bạn xoay quanh việc ăn uống và việc kiểm soát cân nặng có thể trở nên lệch lạc. Nếu bạn luôn có suy nghĩ “mình cần nhịn ăn nhiều hơn”, hoặc cảm thấy tội lỗi mỗi khi ăn quá mức cho phép, bạn có thể đã mắc phải một trong các chứng rối loạn ăn uống.

Rối loạn ăn uống bao gồm cả 2 thái cực đó là chứng biếng ăn tâm thần (anorexia nervosa) và chứng cuồng ăn (bulimia). Đây là những bệnh lý liên quan đến việc ám ảnh với đồ ăn và kiểm soát việc ăn uống của bản thân một cách quá độ. Việc điều trị rối loạn ăn uống là rất phức tạp và có thể kéo dài từ 5-10 năm. Do đó, hãy cố gắng duy trì chế độ ăn uống cân đối và lành mạnh để tránh không mắc phải những bệnh lý này.

Đặc biệt chú ý đối với thanh thiếu niên

Ăn kiêng quá mức có thể gây hại cho tất cả mọi người, tuy nhiên điều này đặc biệt ảnh hưởng đến cơ thể trong giai đoạn dậy thì, với những hậu quả tiêu cực như:

Ảnh hưởng đến xương

Khi ăn kiêng quá mức, lượng hormone nữ giảm đột ngột, ảnh hưởng không chỉ tử cung, buồng trứng, mà là toàn cơ thể.

Đáng chú ý nhất là những ảnh hưởng tới sự phát triển của xương. Các hormone nữ có vai trò ngăn ngừa sự phá hủy xương và hỗ trợ sự phát triển của xương trong giai đoạn dậy thì. Vì vậy, việc ăn kiêng quá mức có thể dẫn đến sự phát triển không đầy đủ của xương, làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương trong tương lai.

Mất kinh nguyệt

Khi ăn kiêng quá mức, bạn sẽ phải đối mặt với rủi ro mất kinh nguyệt. Nguyên nhân chính là do thiếu chất béo. Các tế bào mỡ là rất cần thiết cho việc thúc đẩy cơ thể tiết ra hormone nữ. Vì vậy, khi những tế bào mỡ này giảm, sự tiết hormone nữ cũng giảm theo, dẫn đến nguy cơ ngừng kinh nguyệt.

202.webp

Nguy cơ vô sinh

203.webp

Hormone nữ tăng mạnh từ giai đoạn dậy thì, thúc đẩy sự phát triển của chức năng sinh sản. Do đó, nếu không có kinh nguyệt trong giai đoạn này, chức năng sinh sản và thể chất của nữ giới sẽ không được phát triển đầy đủ, dẫn đến nguy cơ vô sinh trong tương lai.

Ngay cả đối với phụ nữ trưởng thành, thiếu chất dinh dưỡng kéo dài có thể dẫn đến tình trạng không có kinh nguyệt, cơ thể mất khả năng rụng trứng, và dẫn tới vô sinh. Nếu bạn mang thai trong tình trạng thiếu chất dinh dưỡng, sự phát triển của em bé trong bụng cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Kết luận

Ăn kiêng quá mức không phải là một phương pháp giảm cân hiệu quả. Nó có thể gây ra nhiều vấn đề như thiếu chất dinh dưỡng, rối loạn ăn uống, giảm khối lượng cơ, rối loạn hormone, ảnh hưởng sức khỏe tinh thần, tăng nguy cơ loãng xương và vô sinh trong tương lai.


Thay vì cố gắng giảm cân một cách cực đoan, hãy hướng đến mục tiêu giảm cân lành mạnh và bền vững. Để làm được điều này, hãy duy trì một chế độ ăn uống cân đối và kiên trì tập luyện thể dục hàng ngày. Bạn có thể tham khảo những phương pháp ăn kiêng phù hợp hơn trong các bài viết khác của Flora. Hãy thử tìm đọc nhé!