Giải Đáp Cùng Bác Sĩ: Những Nỗi Lo Phổ Biến Khi Đi Khám Phụ Khoa
Jul 23, 2024
Bác sĩ Shibata Ayako
Chuyên gia sản phụ khoa tại Bệnh viện Yodogawa Christian, Nhật Bản
Các câu hỏi sẽ được bác sĩ giải đáp trong bài viết này bao gồm:
1. Có nhất thiết phải trả lời tất cả các câu hỏi của bác sĩ?
2. Người quan hệ đồng giới có thể đi khám phụ khoa không?
3. Khám vùng chậu là gì?
4. Khám vùng chậu có đau không?
5. Nên mặc gì khi đi khám?
6. Có cần phải cạo lông vùng kín trước khi đi khám?
7. Có nên vệ sinh âm đạo trước khi khám?
8. Có thể đi vệ sinh trước khi khám không?
1. Có nhất thiết phải trả lời tất cả các câu hỏi của bác sĩ?
Bạn có thể từ chối trả lời những câu hỏi của bác sĩ, nếu bạn cảm thấy đây là điều tế nhị hoặc thông tin cá nhân không muốn cung cấp.
Tuy nhiên, với một số loại xét nghiệm và điều trị, bạn bắt buộc phải trả lời đầy đủ các câu hỏi cần thiết để bác sĩ có đầy đủ thông tin trước khi tiến hành.
2. Người quan hệ đồng giới có thể đi khám phụ khoa không?
Mặc dù phần lớn các phòng khám và câu hỏi y tế vẫn đang được thiết kế hướng tới những phụ nữ dị giới (quan hệ nữ-nam), hầu hết các phòng khám hiện đại đều đã nhận ra họ cần tôn trọng và phục vụ khách hàng đa dạng về mặt giới tính. Do đó, bạn không cần quá lo lắng, tuy nhiên hãy cân nhắc việc cho bác sĩ biết về thông tin này nếu nó có liên quan hoặc giúp ích cho việc điều trị.
3. Khám vùng chậu là gì?
Khám vùng chậu đề cập đến việc kiểm tra tình trạng âm đạo và dịch tiết âm đạo bằng dụng cụ kiểm tra có tên là Cusco, đồng thời kiểm tra tình trạng tử cung và buồng trứng bằng siêu âm.
4. Khám vùng chậu có đau không?
Mức độ đau khi khám phụ khoa là khác nhau ở mỗi phụ nữ. Có những người chỉ cảm thấy khó chịu nhưng không hề đau đớn, nhưng cũng có những người bị đau dữ dội. Những người chưa bao giờ quan hệ tình dục thường không được khuyến khích khám vùng chậu.
Nếu bạn chưa bao giờ quan hệ tình dục, hoặc nếu bạn từng bị đau khi khám vùng chậu trước đó, hãy cho bác sĩ biết bằng cách điền vào phiếu trả lời trước khi khám.
5. Nên mặc gì khi đi khám?
Bạn sẽ cần phải cởi bỏ quần áo và đồ lót khi khám vùng chậu, vì vậy chúng tôi khuyên bạn nên mang giày và quần áo dễ cởi.
6. Có cần phải cạo lông vùng kín trước khi đi khám?
Không có khuyến cáo y tế nào liên quan tới việc này. Việc cắt tỉa hay cạo lông vùng kín là hoàn toàn do bạn quyết định. Không có gì đáng xấu hổ nếu bạn quyết định để nguyên phần lông tự nhiên.
7. Có nên vệ sinh âm đạo trước khi khám?
Hãy để âm đạo ở trạng thái tự nhiên trước khi tới khám. Rửa âm đạo có thể cản trở việc thực hiện xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
8. Có thể đi vệ sinh trước khi khám không?
Việc khám vùng chậu sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn có thể đi vệ sinh trước đó.