Bàn Chân Lạnh: Làm Sao Để Khắc Phục?
Jul 31, 2024
Chứng lạnh chân là tình trạng mà bàn chân cảm thấy lạnh và thường xuyên bị tê, do sự giảm lưu lượng máu. Đây là triệu chứng thường xảy ra vào mùa đông, nhưng cũng có thể xuất hiện vào mùa hè, và có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý cơ bản.
Mục lục
- Nguyên nhân khiến chân bị lạnh
- Cách cải thiện chứng lạnh chân
Nguyên nhân khiến chân bị lạnh
Bàn chân có thể bị lạnh do nhiều nguyên nhân. Việc hiểu rõ nguyên nhân của tình trạng này sẽ bạn giúp tìm ra phương pháp điều trị thích hợp. Dưới đây là một vài nguyên nhân phổ biến:
- Rối loạn hệ thần kinh tự trị
Căng thẳng quá mức hoặc thói quen sinh hoạt không điều độ có thể làm suy giảm chức năng của hệ thần kinh tự trị, là hệ thống chịu trách nhiệm cho việc điều hòa nhiệt độ cơ thể. Đặc biệt là vào mùa hè, việc sử dụng điều hòa liên tục có thể làm rối loạn chức năng của hệ thần kinh tự trị do sự chênh lệch nhiệt độ giữa trong và ngoài phòng.
- Tổn thương dây thần kinh ngoại vi
Tổn thương dây thần kinh ngoại vi là tình trạng xảy ra khi các dây thần kinh gửi tín hiệu từ não và tủy sống đến các phần khác của cơ thể bị tổn thương. Nếu hệ thần kinh tự trị cũng bị ảnh hưởng do điều này, thì có thể xuất hiện triệu chứng lạnh chân. Tổn thương dây thần kinh ngoại vi có thể do bệnh tiểu đường, nghiện rượu, hoặc hóa trị gây nên.
- Rối loạn cảm giác
Việc mặc đồ lót quá dày hoặc quá chật có thể làm giảm lưu lượng máu và làm tê liệt cảm giác nhiệt độ trên da. Điều này có thể gây ảnh hưởng tới khả năng điều hòa nhiệt độ của cơ thể.
- Lưu thông máu kém
Khi lưu lượng máu đến chân giảm, bàn chân dễ trở nên bị lạnh. Đây là lý do những người bị thiếu máu hoặc huyết áp thấp thường gặp phải tình trạng này. Thiếu máu là tình trạng mà cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu hoặc hemoglobin để cung cấp oxy cho các mô. Điều này không chỉ khiến cho chân bị lạnh, mà còn có thể gây nên mệt mỏi và khó thở. Ngoài ra, các bệnh như tiểu đường, bệnh động mạch ngoại biên (PAD), và bệnh Raynaud cũng có thể gây ra tình trạng này. Trong trường hợp PAD, chân không chỉ bị lạnh mà còn đau theo từng cơn co thắt.
Thiếu khối lượng cơ bắp
Phụ nữ thường dễ gặp phải chứng lạnh chân hơn so với nam giới, vì cơ thể phụ nữ có ít cơ bắp hơn. Thiếu cơ bắp sẽ làm giảm lưu lượng máu và sự sản sinh nhiệt, từ đó khiến chân dễ bị lạnh. Điều này cũng đúng đối với nam giới có ít cơ bắp.
Rối loạn hormone nữ
Phụ nữ khi căng thẳng quá mức, hoặc khi đang trong thời kỳ tiền mãn kinh, thường dễ gặp phải tình trạng rối loạn hormone. Điều này có thể khiến cho các chức năng trong cơ thể trở nên khó kiểm soát, làm giảm lưu thông máu, và dẫn đến chứng lạnh chân.
Cách cải thiện chứng lạnh chân
Chứng lạnh chân có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên nhìn chung, việc thay đổi và cải thiện lối sống có thể giúp giảm bớt triệu chứng này trong phần lớn các trường hợp.
Làm ấm cơ thể qua chế độ ăn uống
Thức ăn bạn nạp vào người có thể đem lại hiệu quả làm ấm, hoặc làm lạnh cơ thể. Vì vậy việc lựa chọn những loại thực phẩm cũng như cách chế biến phù hợp là vô cùng quan trọng. Hãy lưu ý những điều dưới đây khi lựa chọn thực phẩm:
- Nguồn gốc:
Thực phẩm có nguồn gốc từ nơi lạnh thường đem lại hiệu quả làm ấm cao. Đặc biệt, các loại củ phát triển dưới lòng đất, ví dụ như cà rốt hoặc củ sen, thường có tác dụng làm ấm cơ thể.
- Màu sắc và hình dạng:
Thực phẩm có màu ấm và hình dạng tròn thường có tác dụng làm ấm cơ thể (ví dụ như ớt chuông đỏ). Ngược lại, thực phẩm có màu lạnh và hình dạng thuôn dài thường có tác dụng làm lạnh cơ thể (ví dụ như dưa chuột hoặc cà tím).
- Tránh đồ sống và các loại thực phẩm có nhiều nước:
Trái cây và rau sống sẽ làm lạnh cơ thể (vd cà chua, rau diếp). Tuy nhiên, vitamin từ các loại thực phẩm này là rất cần thiết cho cơ thể, vì vậy chế biến đúng cách để vẫn có thể kết hợp những loại thực phẩm này vào trong chế độ ăn.
- Chọn thực phẩm lên men:
Thực phẩm lên men có tác dụng làm ấm cơ thể (vd đậu tương lên men, hoặc đậu phụ lên men).
Sử dụng gia vị và thảo mộc:
Nhiều loại gia vị và thảo mộc có tác dụng làm ấm cơ thể và kích thích sự thèm ăn (vd gừng, tía tô, quế).
- Sử dụng thiết bị sưởi ấm trực tiếp
Sử dụng thiết bị sưởi ấm có thể giúp giữ ấm chân và phần dưới của cơ thể. Khi ở nhà, bạn có thể sử dụng bàn sưởi thay vì điều hòa để trực tiếp làm ấm phần chân. Khi ở nơi làm việc, hãy sử dụng chăn hoặc mang tất ấm.
- Không duy trì một tư thế quá lâu
Việc duy trì một tư thế quá lâu, dù là ngồi hay đứng, có thể gây tắc nghẽn lưu thông máu, khiến cho chân bị lạnh. Hãy đứng dậy và di chuyển sau mỗi vài giờ. Nếu có thể, bạn hãy sử dụng cầu thang bộ thay vì thang máy để giúp cải thiện tuần hoàn máu. Nếu không thể đứng dậy, hãy xoay cổ chân hoặc xoa bóp chân tại chỗ để giúp máu lưu thông.
- Tăng cường khối lượng cơ bắp thông qua vận động
Tăng cường khối lượng cơ bắp là một biện pháp lâu dài để chống lại chứng lạnh chân. Các bài tập như squat, đi bộ, hoặc các bài tập chân và kéo dãn cơ bắp sẽ giúp cải thiện tình trạng này. Dưới đây là cách thực hiện chính xác của động tác squat:
- Mở chân rộng hơn vai.
- Hướng ngón chân chếch ra phía ngoài
- Gập hông và hạ mông xuống như khi ngồi trên ghế, chú ý không để đầu gối vượt quá các đầu ngón chân.
- Ngẩng đầu, ưỡn ngực và giữ cho lưng thẳng.
- Hạ mông xuống cho đến khi đùi song song với mặt sàn.
- Đứng lên, giữ đầu gối hơi cong.
- Tắm và ngâm chân với nước nóng
Hãy bắt đầu bằng việc ngâm chân trong nước nóng 1-2 lần mỗi tuần, để cải thiện lưu thông máu và làm giảm bớt triệu chứng lạnh chân.
Chứng lạnh chân là một vấn đề phổ biến và thường không phải là một tình trạng quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Hãy thử áp dụng các biện pháp được gợi ý ở trên, và tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ nếu các triệu chứng không được cải thiện.