Vì Sao Bạn Cảm Thấy Buồn Ngủ Nhiều Hơn Vào Trước Kỳ Kinh Nguyệt?
Jul 25, 2024
Trước kỳ kinh nguyệt, bạn có cảm thấy khó tập trung hoặc buồn ngủ vào ban ngày mặc dù đã ngủ đủ giấc không? Tình trạng gia tăng cảm giác buồn ngủ kéo dài từ trước đến trong thời kỳ kinh nguyệt, có thể gây cản trở tới công việc và sinh hoạt hàng ngày của nhiều phụ nữ. Buồn ngủ là một trong những triệu chứng thường thấy của PMS (Hội chứng tiền kinh nguyệt). Hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết cách chăm sóc tốt cho cơ thể trong thời kỳ này.
Mục lục
- Giải thích nguyên nhân vì sao bạn cảm thấy buồn ngủ nhiều hơn
- Chứng rối loạn giấc ngủ tiền kinh nguyệt
- Cải thiện triệu chứng buồn ngủ tiền kinh nguyệt với thuốc chống thai liều thấp
Giải thích nguyên nhân vì sao bạn cảm thấy buồn ngủ nhiều hơn
Có 4 nguyên nhân chính khiến bạn cảm thấy buồn ngủ nhiều hơn vào thời điểm trước kỳ kinh nguyệt, bao gồm ảnh hưởng của thân nhiệt, hệ thần kinh tự trị, GABA và Serotonin.
Nguyên nhân 1: Do thân nhiệt tăng trước kỳ kinh nguyệt
Nhiệt độ cơ thể phụ nữ dễ bị ảnh hưởng bởi nội tiết tố, và thay đổi tùy theo giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt. Trong giai đoạn hoàng thể (bắt đầu sau khi rụng trứng và tới trước kỳ kinh nguyệt), sự tiết ra nội tiết tố nữ Progesterone tăng lên. Điều này cho thân nhiệt có thể tăng từ 0,3-0,6 độ C so với bình thường.
Nhiệt độ cơ thể và chất lượng giấc ngủ có liên quan mật thiết với nhau. Trong giai đoạn hoàng thể, Progesterone làm tăng nhiệt độ cơ thể, khiến cho chất lượng giấc ngủ về đêm bị suy giảm và bạn có thể sẽ cảm thấy buồn ngủ nhiều hơn vào ban ngày.
Nguyên nhân 2: Do GABA giảm khiến bạn dễ cảm thấy căng thẳng
GABA là một loại axit amin tồn tại trong não con người. Nó được cho là có khả năng làm giảm căng thẳng và làm dịu sự hưng phấn để giúp bạn đi vào giấc ngủ.
Tuy nhiên, GABA dễ bị ảnh hưởng bởi Progesterone, cụ thể khi lượng Progesterone tăng lên, GABA giảm đi. Do Progesterone tăng mạnh một tuần trước kỳ kinh nguyệt, GABA không thể phát huy hết tác dụng an thần và thúc đẩy giấc ngủ trong khoảng thời gian này, dẫn đến việc bạn bị buồn ngủ nhiều hơn vào ban ngày.
Nguyên nhân 3: Do giảm tiết Serotonin
Serotonin là một loại hormone trong não với tên gọi "hormone hạnh phúc". Khi não cảm thấy căng thẳng, nó sẽ tiết ra Serotonin để cố gắng cân bằng hệ thần kinh tự trị.
Hơn nữa, Serotonin còn là nguồn gốc sản sinh ra Melatonin, chất giúp thúc đẩy giấc ngủ và cần thiết để đạt được những giấc ngủ chất lượng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hoàng thể, sự tiết Serotonin cũng giảm đi. Kết quả là bạn không thể thư giãn và ngủ sâu, dẫn tới việc buồn ngủ vào ban ngày.
Chứng rối loạn giấc ngủ tiền kinh nguyệt
Nếu giấc ngủ của bạn thường xuyên gặp phải vấn đề trước mỗi kỳ kinh nguyệt, tình trạng này được gọi là “Chứng rối loạn giấc ngủ tiền kinh nguyệt”. Có những người bị mất ngủ dẫn tới thiếu ngủ, nhưng cũng có những người gặp phải tình trạng ngược lại, đó là ngủ quá nhiều trong một ngày.
Đối với tình trạng rối loạn giấc ngủ tiền kinh nguyệt nói chung, các triệu chứng sẽ thường kéo dài trong khoảng 1 tuần trước kỳ kinh nguyệt, và dần thuyên giảm khi kinh nguyệt bắt đầu. Trong khoảng thời gian này, bạn cũng có thể sẽ gặp phải các triệu chứng khác của PMS, chẳng hạn như cảm thấy chán nản, cáu giận, hoặc đau bụng dưới. Nếu tình trạng này kéo dài hơn 2 ngày vào mỗi lần kinh nguyệt, và tổng cộng đã kéo dài hơn 1 năm thì bạn có thể được chẩn đoán là mắc “Chứng rối loạn giấc ngủ tiền kinh nguyệt”.
Cải thiện triệu chứng buồn ngủ tiền kinh nguyệt với thuốc chống thai liều thấp
Bước đầu tiên trong việc điều trị chứng rối loạn giấc ngủ tiền kinh nguyệt là điều chỉnh môi trường sống và thói quen sinh hoạt.
Ghi lại giờ đi ngủ và thức dậy của bạn vào ứng dụng hoặc sổ tay ghi chép, và sử dụng nó để quản lý tình trạng giấc ngủ.
Trước kỳ kinh nguyệt, hãy cố gắng tiếp xúc thật nhiều với ánh sáng mặt trời vào ban ngày, và tránh dùng quá nhiều caffeine vào ban đêm. Tập thể dục, chẳng hạn như đi bộ, tập yoga, hoặc giãn cơ, cũng có thể giúp bạn ngủ ngon hơn.
Nếu các triệu chứng được đánh giá là đủ nghiêm trọng để làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn, việc điều trị sẽ được chuyển sang hướng ức chế rụng trứng bằng cách sử dụng thuốc tránh thai liều thấp hoặc thuốc điều chỉnh nội tiết tố. Đồng thời bác sĩ cũng có thể khuyên bạn sử dụng thuốc đông y hoặc thuốc chống loạn thần.
Có những điều kiện nhất định để được sử dụng thuốc tránh thai hoặc thuốc điều chỉnh nội tiết tố. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như khi bạn đang mong có mang thai, sẽ không thể sử dụng những loại thuốc này. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn thêm.