Nguyên Nhân Bạn Trở Nên Mất Tập Trung Gần Đây?
Jul 31, 2024
Trong công việc hoặc trong những cuộc nói chuyện với mọi người, có bao giờ bạn cảm thấy như mình không thể tập trung vào chủ đề chính? Giảm mức độ tập trung là một triệu chứng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!
Mục lục
・Nguyên nhân gây giảm tập trung
・Cách cải thiện khả năng tập trung
・Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Nguyên nhân gây giảm tập trung
Kinh nguyệt
Trong thời gian kinh nguyệt, cơ thể bạn dễ trở nên thiếu máu do phải đào thải máu kinh ra ngoài. Thiếu máu có thể làm suy giảm chức năng của não bộ, khiến bạn dễ mắc phải những sai lầm nhỏ.
Tiền mãn kinh
Thời kỳ tiền mãn kinh là giai đoạn 5 năm trước khi mãn kinh chính thức xảy đến, và thường xảy ra ở khoảng độ tuổi 40-45. Trong giai đoạn này, lượng hormone estrogen sẽ thay đổi mạnh, từ đó có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự trị và làm giảm khả năng tập trung.
Trong thời kỳ này, vùng dưới đồi sẽ tăng cường kích thích buồng trứng để tiết ra estrogen. Kết quả là, buồng trứng sẽ tiết ra một lượng lớn hormone này để đáp lại sự kích thích từ não. Điều này có thể khiến cho não hiểu lầm rằng "cơ thể đã có đủ Estrogen", và bắt đầu chỉ đạo buồng trứng giảm tiết hormone. Những thay đổi đột ngột về lượng estrogen này có thể dẫn đến các triệu chứng của thời kỳ tiền mãn kinh. Vùng dưới đồi này cũng là trung tâm điều khiển hệ thần kinh tự trị, có nhiều ảnh hưởng đến khả năng tập trung và ra quyết định. Khi mệnh lệnh từ vùng dưới đồi bị rối loạn, hệ thần kinh tự trị cũng bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến giảm sự tập trung và khả năng ra quyết định, kèm theo các triệu chứng khác của thời kỳ tiền mãn kinh.
Các bệnh khác
- Chứng mất trí: Giảm khả năng tập trung là một trong những triệu chứng ban đầu của chứng mất trí. Mặc dù triệu chứng phổ biến nhất trong giai đoạn đầu của chứng bệnh này là hay quên đồ, tuy nhiên những triệu chứng khác như giảm sự tập trung hoặc trầm cảm cũng có thể xảy ra.
- Rối loạn hệ thần kinh tự trị: Đây là bệnh xảy ra khi sự cân bằng của hệ thần kinh tự trị trở nên rối loạn, có thể do căng thẳng hoặc do thay đổi về mặt hormone. Triệu chứng của bệnh có thể bao gồm suy giảm khả năng tập trung.
- Trầm cảm: Đây là bệnh tâm lý gây ra cảm giác buồn bã, tuyệt vọng kéo dài và mất hứng thú với các hoạt động trong cuộc sống. Trầm cảm cũng gây ảnh hưởng đến khả năng tập trung và khả năng nhận thức.
- Rối loạn giấc ngủ: Các rối loạn về giấc ngủ, chẳng hạn như mất ngủ, hội chứng ngưng thở khi ngủ, hoặc hội chứng chân không yên, v.v., có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ, dẫn đến giảm khả năng tập trung và giảm khả năng nhận thức.
Cách cải thiện khả năng tập trung
- Duy trì cân bằng hormone
Để gia tăng khả năng tập trung, việc ổn định hormone là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, sự cân bằng hormone còn có ảnh hưởng tới sức khỏe toàn diện của cơ thể. Dưới đây là một số cách để giúp điều chỉnh và duy trì sự cân bằng hormone.
- Chế độ ăn uống cân bằng:
Việc ăn thực phẩm giàu các chất dinh dưỡng như protein, chất béo tốt và chất xơ, có thể giúp điều chỉnh sự cân bằng hormone. Hãy tích cực bổ sung nhiều loại trái cây, rau, protein ít béo, và chất béo tốt (có trong quả bơ và các loại hạt) vào chế độ ăn hàng ngày của bạn.
- Ngủ đủ giấc:
Việc đi tắm khoảng 1-2 giờ trước khi ngủ sẽ làm hạ thân nhiệt, và giúp cho bạn dễ chìm vào giấc ngủ. Hãy ăn tối ít nhất là 3 giờ trước khi đi ngủ để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ. Khi trong dạ dày bạn vẫn còn thức ăn, hệ tiêu hóa vẫn sẽ phải tiếp tục hoạt động, và điều này có thể làm ảnh hưởng tới giấc ngủ. Ngay trước khi đi ngủ, bạn nên hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại hay máy tính, để tránh việc tiếp xúc với ánh sáng xanh.
- Tập thể dục thường xuyên:
Tập thể dục đều đặn có thể giúp cân bằng hormone, cải thiện tâm trạng và làm giảm căng thẳng. Hãy đặt mục tiêu vận động khoảng 30 phút mỗi ngày.
- Tạo môi trường để bạn có thể tập trung
Để có thể duy trì được sự tập trung, việc điều chỉnh môi trường xung quanh cũng là rất quan trọng. Dưới đây là 3 điều bạn cần lưu ý:
- Hương thơm:
Mùi hương của chanh có thể làm giảm hoạt động của hệ thần kinh phó giao cảm, giúp cho hệ thần kinh giao cảm chiếm ưu thế. Hệ thần kinh giao cảm có vai trò quan trọng trong đối với sự tập trung.
- Không làm nhiều việc cùng lúc:
Bộ não con người không có khả năng tập trung vào nhiều công việc trong cùng một lúc. Việc chuyển đổi liên tục giữa các nhiệm vụ sẽ khiến cho não nhanh mệt mỏi và trở nên kém tập trung.
- Tạo thời gian nghỉ ngơi:
Việc nghỉ ngơi khi cần thiết cũng là rất quan trọng để lấy lại sự tập trung. Sau khi hoàn thành một nhiệm vụ, hoặc sau một thời gian dài làm việc, bạn nên nghỉ ngơi trong khoảng 5-10 phút để làm mới não bộ.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Nếu bạn đã thử các phương pháp trên mà vẫn không cải thiện được khả năng tập trung, hoặc khi tình trạng kém tập trung gây ảnh hưởng đến những sinh hoạt hàng ngày, thì đây là lúc bạn nên đi khám bác sĩ. Bạn có thể bắt đầu bằng việc đi khám tại cơ sở y tế gần nhất. Nếu đã những phỏng đoán về nguyên nhân của tình trạng này, bạn có thể đến khám tại các chuyên khoa tâm thần, thần kinh, hoặc phụ khoa tuỳ vào từng nguyên nhân.