Nguyên Nhân Khiến Xương Chậu Bị Đau
Jul 31, 2024
Phụ nữ thường gặp phải những cơn đau ở vùng dưới bụng, đặc biệt là vùng xương chậu. Bài viết này sẽ giải thích về triệu chứng đau xương chậu cũng như những nguyên nhân có thể gây nên tình trạng này, hy vọng sẽ giúp ích được cho bạn.
Mục lục
- Triệu chứng đau xương chậu
- Bốn nguyên nhân gây đau xương chậu
- Kết luận
Triệu chứng đau xương chậu
Xương chậu là vùng nằm dưới bụng và thuộc phần dưới cùng của thân mình. Các loại đau xương chậu có thể bao gồm đau thắt giống như đau kinh nguyệt, đau nhói, hoặc đau âm ỉ. Có những người sẽ cảm thấy đột nhiên đau nhói như bị dùi đâm, nhưng cũng có những người trải qua cơn đau âm ỉ kéo dài. Ngoài ra, cơn đau cũng có thể xuất hiện mỗi khi có cử động chạm vào xương chậu.
Bốn nguyên nhân gây đau xương chậu
1. Chu kỳ kinh nguyệt
Nguyên nhân phổ biến nhất của đau xương chậu là do chu kỳ kinh nguyệt. Thực tế, ngoài chu kỳ kinh nguyệt, ở phụ nữ còn có chu kỳ mở và đóng của xương chậu. Vào khoảng ngày thứ 2-3 sau khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt, xương chậu sẽ giãn ra để thúc đẩy sự đào thải máu kinh. Lúc này, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone progesterone với tác dụng làm giãn cơ, tuy nhiên hormone này cũng có thể gây nên cảm giác đau.
Gần đến ngày rụng trứng, xương chậu sẽ co lại, và sau khi rụng trứng, xương chậu sẽ lại giãn ra để chuẩn bị cho kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Vì vậy, trong khoảng thời gian 10 ngày, từ giữa giai đoạn hoàng thể cho tới ngày thứ 2-3 sau khi kinh nguyệt bắt đầu, hormone giãn xương chậu sẽ được tiết ra nhiều, và có thể gây nên tình trạng đau xương chậu.
2. Các bệnh phụ khoa (chủ yếu là lạc nội mạc tử cung)
Đau xương chậu cũng có thể do các bệnh phụ khoa gây nên. Ví dụ như rối loạn kinh nguyệt (đau bụng kinh), cơn đau do rụng trứng, và phổ biến nhất là bệnh lạc nội mạc tử cung.
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mô nội mạc tử cung xuất hiện ở những nơi ngoài tử cung. Tình trạng đau xương chậu kéo dài từ 4-6 tháng sẽ được coi là mãn tính, và có khoảng 75-80% phụ nữ bị đau xương chậu mãn tính do nguyên nhân từ bệnh lạc nội mạc tử cung. Đối với đau xương chậu nói chung, tỉ lệ này là 33%. Nếu bạn nghi ngờ mình đang ở trong trường hợp này, hãy mau chóng đi khám phụ khoa.
3. Hội chứng xung huyết vùng chậu
Hội chứng xung huyết vùng chậu là tình trạng xảy ra do các tĩnh mạch trong xương chậu, đặc biệt là tĩnh mạch buồng trứng, hoạt động không bình thường. Khi máu từ buồng trứng chảy về tim, do van tĩnh mạch bị tổn thương, máu sẽ bị tắc nghẽn dẫn tới tích tụ ở xương chậu. Hội chứng này thường gặp phải ở những phụ nữ đã sinh con. Đây là nguyên nhân gây đau xương chậu phổ biến thứ hai sau lạc nội mạc tử cung, chiếm khoảng 31% các trường hợp.
4. Các vấn đề khác
Ngoài những nguyên nhân kể trên, một vài vấn đề khác như thoái hóa khớp háng, hoặc rối loạn khớp cùng chậu, v.v., cũng có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng đau xương chậu.
Thoái hóa khớp háng thường gặp ở phụ nữ trung niên và cao tuổi, nếu trở nên nghiêm trọng bệnh có thể làm cản trở khả năng di chuyển. Rối loạn khớp cùng chậu là tình trạng khớp cùng chậu (gồm xương cùng và xương chậu hai bên) bị tổn thương, từ đó gây nên tình trạng đau.
Kết luận
Đau xương chậu có thể xuất hiện do ảnh hưởng của sự thay đổi hormone trong chu kỳ kinh nguyệt, hoặc do nguyên nhân từ các bệnh phụ khoa. Nếu cơn đau kéo dài không thuyên giảm, bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn thêm.