Nguyên Nhân Dẫn Tới Thay Đổi Vị Giác
Jul 26, 2024
Gần đây, bạn có cảm thấy vị giác của mình thay đổi so với trước? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích về những nguyên nhân phổ biến dẫn tới thay đổi vị giác, cũng như những điều bạn cần lưu ý khi gặp phải tình trạng này. Hãy tham khảo ngay nhé!
Mục lục
- Nguyên nhân dẫn tới thay đổi vị giác
- Những điều cần lưu ý
- Kết luận
Nguyên nhân dẫn tới thay đổi vị giác
①Mang thai
Khi mang thai, lượng hormone nữ progesterone sẽ tăng lên. Progesterone có thể làm giảm độ nhạy của vị giác, do đó khi hormone này được tiết ra nhiều hơn, cảm nhận vị giác cũng sẽ bị thay đổi.
Ngoài ra khi mang thai, lượng máu trong cơ thể bạn sẽ tăng lên để vận chuyển đầy đủ nước và chất dinh dưỡng tới thai nhi. Điều này cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi vị giác.
②Bệnh lý
Một số bệnh lý có thể gây nên triệu chứng rối loạn vị giác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh gan, bệnh thận, rối loạn dạ dày/ ruột, mất cân bằng hormone, hoặc trầm cảm, v.v. Những bệnh này có thể gây nên nhiều thay đổi về mặt thể chất lẫn tinh thần, từ đó khiến cho vị giác cũng bị ảnh hưởng. Độ nhạy của vị giác khi này có thể tăng hoặc giảm so với bình thường, tùy theo chứng bệnh cụ thể.
③Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc hạ sốt, thuốc kháng viêm, thuốc an thần, hoặc thuốc kháng sinh, v.v, có thể có tác dụng bài tiết kẽm ra khỏi cơ thể. Việc sử dụng những loại thuốc này trong một thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng thiếu kém và làm ảnh hưởng tới vị giác.
④Không bổ sung đủ kẽm
Kẽm là chất cần thiết cho việc hình thành các tế bào nụ vị giác (cơ quan nằm trên lưỡi giúp chúng ta cảm nhận được các vị khác nhau). Vì vậy, việc thiếu kẽm có thể khiến cho chức năng của nụ vị giác bị suy giảm, và là nguyên nhân làm cho vị giác của bạn thay đổi.
⑤Căng thẳng và lo lắng
Căng thẳng và lo lắng quá độ có thể dẫn đến mất cân bằng hệ thần kinh tự trị, và làm giảm hoạt động tiết nước bọt. Khi miệng khô, vị giác của bạn cũng sẽ trở nên kém nhạy bén hơn.
Những điều cần lưu ý
Kích thích tiết nước bọt
Lượng tiết nước bọt giảm có thể là nguyên nhân gây khô miệng, và làm giảm độ nhạy của vị giác. Để làm tăng lượng tiết nước bọt, bạn có thể ăn nhiều các món chua, hoặc thực hiện các động tác massage nhằm kích thích tuyến nước bọt. Những động tác này có thể được thực hiện ở bất cứ đâu, do đó hãy cố gắng bổ sung chúng vào thói quen hàng ngày của bạn.
Giảm căng thẳng
Việc tích tụ căng thẳng kéo dài cũng có thể làm giảm lượng tiết nước bọt. Hãy cố gắng tìm ra những hoạt động mà bạn yêu thích và dành thời gian thư giãn để giải tỏa căng thẳng.
Không ăn quá nhiều muối và đường
Khi vị giác thay đổi, các món ăn mặn và ngọt có thể trở nên hấp dẫn hơn, và khiến bạn tiêu thụ chúng một cách quá mức. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều muối và đường có thể gây hại cho các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Vì vậy, bạn cần chú ý kiểm soát lượng muối và đường mà mình đang tiêu thụ mỗi ngày.
Phòng ngừa thiếu kẽm
Thiếu kẽm không chỉ làm thay đổi vị giác mà còn ảnh hưởng đến sự miễn dịch và trao đổi chất. Hãy chú ý bổ sung kẽm từ các nguồn thực phẩm như gan, trứng, hàu, hạnh nhân, và đậu nành. Nếu cảm thấy khó bổ sung đủ kẽm từ việc ăn uống hàng ngày, bạn có thể sử dụng thêm viên uống giúp bổ sung kẽm. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý không sử dụng thực phẩm bổ sung quá liều, vì điều này có thể dẫn tới ngộ độc kẽm.
Kết luận
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới thay đổi vị giác, bao gồm thói quen sinh hoạt, căng thẳng, bệnh tật, hoặc mang thai. Hãy thử áp dụng các biện pháp được gợi ý ở trên nếu bạn đang gặp phải tình trạng này. Nếu các triệu chứng không được cải thiện, hoặc cảm thấy lo lắng về nguyên nhân, bạn hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn thêm.