Tim Đập Nhanh Và Khó Thở Có Thể Là Dấu Hiệu Của Tiền Mãn Kinh
Jul 26, 2024
Nếu bạn đang ở trong độ tuổi 40-50 và thường xuyên gặp phải những triệu chứng như tim đập nhanh hoặc khó thở, đó có thể là dấu hiệu của thời kỳ tiền mãn kinh. Bài viết này sẽ giới thiệu tới bạn nguyên nhân và các phương pháp để giúp giảm nhẹ tình trạng nêu trên.
Mục lục
- Tim đập nhanh và khó thở, nguyên nhân do đâu?
- Phương pháp khắc phục
- Tổng kết
Tim đập nhanh và khó thở, nguyên nhân do đâu?
Rối loạn tiền mãn kinh
Trong thời kỳ tiền mãn kinh, các triệu chứng như tim đập nhanh, hoặc khó thở có thể xuất hiện do lượng hormone nữ giảm đột ngột. Hormone suy giảm có thể gây rối loạn đến hệ thần kinh tự trị, dẫn đến việc các hoạt động của tim không được điều khiển tốt.
Bệnh lý
Có nhiều bệnh có thể gây nên triệu chứng tim đập nhanh và khó thở, chẳng hạn như hội chứng tăng thông khí, bệnh Basedow, suy tim, rối loạn nhịp tim, hoặc tràn khí màng phổi tự phát. Đặc biệt, trong trường hợp bệnh lạc nội mạc tử cung, nếu nội mạc tử cung bám vào phổi, thì cũng có thể dẫn tới tràn khí màng phổi tự phát và gây nên các triệu chứng tương tự.
Ngoài ra, triệu chứng tim đập nhanh và khó thở cũng có thể xuất hiện do các bệnh lý tâm thần như rối loạn hoảng loạn, hoặc do lo lắng và căng thẳng quá độ. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy khó thở do căng thẳng và lo lắng, hãy tập thói quen hít thở sâu để thư giãn não bộ.
Nếu không thấy xuất hiện các dấu hiệu khác của thời kỳ tiền mãn kinh, thì có khả năng tình trạng tim đập nhanh và khó thở của bạn là do bệnh lý gây nên. Trong trường hợp này, hãy tới bệnh viện để được kiểm tra.
Phương pháp khắc phục
Dưới đây là các phương pháp có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng tim đập nhanh và khó thở do tiền mãn kinh.
- Hít thở bằng bụng
Hít thở sâu bằng bụng giúp kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm, và điều hòa nhịp thở. Khi Khi cảm thấy tim đập nhanh và khó thở, bạn hãy thực hiện hít thở bằng bụng tại chỗ. Khi hít thở, chú ý giữ thẳng lưng, hít vào từ từ qua mũi và tưởng tượng không khí như đang đi lên từ dưới rốn. Sau đó, thở ra bằng miệng với thời gian gấp đôi thời gian hít vào.
- Liệu pháp mùi hương (aromatherapy)
Aromatherapy có tác dụng giúp cân bằng hệ thần kinh tự trị và hormone. Nhiều hương thơm tự nhiên có khả năng làm dịu hệ thần kinh phó giao cảm, từ đó đem lại hiệu quả giảm lo lắng và căng thẳng. Khi cảm thấy buồn, bạn hãy thử hương hoa cam neroli, hoa hồng, lavender và các loại hương cam quýt. Khi cảm thấy khó chịu, hương lavender và cam bergamot sẽ là những sự lựa chọn lý tưởng dành cho bạn.
- Cải thiện chế độ ăn uống
Hãy cố gắng cân đối lượng carbohydrate, chất béo và protein nạp vào trong mỗi bữa ăn. Việc ăn kiêng và hạn chế quá mức lượng carbohydrate hoặc chất béo, có thể gây ảnh hưởng xấu tới hệ thần kinh tự trị và dẫn tới mất cân bằng hormone. Vì vậy, bạn cần chú ý bổ sung đầy đủ các nhóm dinh dưỡng thiết yếu này.
Ngoài ra, hãy tích cực bổ sung isoflavone, chất có tác dụng tương tự như các hormone nữ trong cơ thể. Isoflavone giúp cải thiện cân bằng hormone và có nhiều trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ đậu nành.
- Liệu pháp hormone thay thế (HRT)
HRT là phương pháp bổ sung lượng hormone nữ thiếu hụt vào cơ thể để cải thiện các triệu chứng của tiền mãn kinh. Có nhiều cách để bổ sung hormone từ bên ngoài, ví dụ như thông qua uống viên uống, thuốc bôi, hoặc miếng dán. Những sản phẩm này có thể được kê đơn tại phòng khám phụ khoa, vì vậy nếu quan tâm bạn hãy tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ.
Tổng kết
Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng như tim đập nhanh hoặc khó thở, thì đây có thể là dấu hiệu của tiền mãn kinh. Hãy thử áp dụng những phương pháp được gợi ý ở trên. Nếu các triệu chứng kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên đi khám bác sĩ sớm để được tư vấn thêm.