Cách Làm Giảm Đau Bụng Kinh Nguyệt
Jul 17, 2024
Nguyên nhân gây nên đau bụng kinh nguyệt
Tình trạng đau bụng trong những ngày “đèn đỏ” còn được gọi là chứng “Đau bụng kinh”. Nhìn chung, có 4 nguyên nhân chính có thể dẫn tới tình trạng này.
Nguyên nhân ① Prostaglandin
Đau bụng kinh xảy ra khi tử cung cố gắng co bóp để đẩy máu kinh ra ngoài trong thời kỳ kinh nguyệt.
Prostaglandin là chất đảm nhiệm việc này. Khi Prostaglandin tiết ra càng nhiều, tử cung co bóp càng mạnh, dẫn tới những cơn đau dữ dội ở vùng bụng dưới.
Nguyên nhân② Cổ tử cung hẹp
Điều này phổ biến hơn ở những phụ nữ trẻ hoặc phụ nữ chưa từng sinh con. Do cổ tử cung hẹp và máu kinh không thể chảy ra ngoài dễ dàng, tử cung sẽ cần co bóp mạnh hơn, dẫn đến cảm giác đau đớn. Tuy nhiên, sau khi trải qua càng nhiều kỳ kinh nguyệt, hoặc sau khi sinh con, cổ tử cung sẽ trở nên mềm và giãn ra nhiều hơn. Khi này, tình trạng đau bụng kinh nguyệt có thể được giảm nhẹ.
Nguyên nhân③ Lưu thông máu kém
Tuần hoàn máu kém có thể xảy ra khi cơ thể bị lạnh, khi giữ nguyên ở một tư thế trong thời gian dài, hoặc khi căng thẳng tích tụ lâu ngày không được giải phóng. Tuần hoàn máu kém sẽ khiến bạn trở nhạy cảm hơn với cảm giác đau. Khi lưu lượng máu giảm, oxy có thể không được vận chuyển đủ tới các mô trong cơ thể (chẳng hạn như cơ bắp hoặc da), đồng thời quá trình trao đổi chất cũng trở nên kém hơn, khiến bạn dễ cảm thấy bị đau.
Nguyên nhân④ Ăn kiêng
Những người có chế độ ăn uống không hợp lý có thể bị đau bụng kinh nghiêm trọng hơn bình thường.
Trong thời kỳ kinh nguyệt, cơ thể cần rất nhiều năng lượng. Do đó, nếu chế độ ăn của bạn không cung cấp đủ dinh dưỡng, cơ thể sẽ bị thiếu năng lượng và giảm khả năng chịu đựng.
Dấu hiệu của bệnh lý
Đau bụng kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý bình thường và xảy ra phổ biến. Tuy nhiên, khi cơn đau trở nên quá nghiêm trọng, với các triệu chứng như “cần sử dụng lượng lớn thuốc giảm đau”, “thuốc giảm đau không có tác dụng” hoặc “cơn đau gây cản trở tới các sinh hoạt hàng ngày”, bạn có thể đang gặp phải tình trạng “Thống kinh”.
Thống kinh có thể do các bệnh lý tiềm ẩn như lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung gây nên. Nhiều người tiếp tục chịu đựng cơn đau, khiến cho bệnh không được phát hiện kịp thời và chuyển biến xấu. Do đó, nếu bạn nghi ngờ mình đang gặp phải bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên, vui lòng nhanh chóng tham khảo ý kiến của các bác sĩ phụ khoa.
Điều trị đau bụng kinh nguyệt
①Trà thảo dược
Đau bụng kinh có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu xương chậu bị lạnh hoặc lưu thông máu kém. Vì vậy, chúng tôi khuyên bạn nên uống trà thảo dược.
Trà thảo dược có tác dụng làm ấm cơ thể từ bên trong, đồng thời cải thiện lưu thông máu, từ đó có hiệu quả giúp giảm đau bụng kinh. Các loại trà thảo dược được khuyên dùng bao gồm trà Hoa cúc và trà Linden (Hoa Đoạn lá bạc).
②Ngủ nghiêng và co đầu gối
Các triệu chứng đau bụng kinh có thể dẫn tới khó ngủ. Để khắc phục điều này bạn nên ngủ trong tư thế nghiêng người và co đầu gối. Tư thế này có thể làm giảm căng thẳng trong dạ dày một cách tự nhiên, từ đó giúp giảm đau bụng kinh.
③Miếng dán giữ nhiệt
Khi tử cung bị lạnh và máu lưu thông kém, các cơ xung quanh tử cung sẽ trở nên cứng lại. Khi đó tử cung cần phải co bóp mạnh để đẩy máu kinh ra ngoài, khiến cho các cơn đau bụng kinh trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn có thể khắc phục điều này bằng cách sử dụng miếng dán giữ nhiệt lên phần gáy, xương cùng, vùng háng, hoặc bụng dưới.
④Ngồi giữ thẳng xương chậu
Tuần hoàn máu kém ở vùng xương chậu có thể làm cơn đau bụng kinh trở nên trầm trọng hơn. Khi bị đau bụng, bạn thường có xu hướng khom người về phía bụng. Tuy nhiên, tư thế này làm cho cơ bắp của bạn trở nên căng thẳng, đồng thời khiến cho lưu lượng máu xung quanh xương chậu trở nên kém đi. Để tránh tình trạng ứ đọng lưu lượng máu, hãy chú ý điều chỉnh tư thế trong khi ngồi, và luôn ý thức việc giữ cho xương chậu được thẳng.