Nguyên Nhân Ngực Căng Đau Khi Đến Kỳ Kinh Nguyệt
Jul 17, 2024
Căng đau ở vùng ngực là tình trạng phổ biến xảy ra ở nhiều phụ nữ, đặc biệt là khi đến kỳ kinh nguyệt.
Mục lục
1. Tại sao ngực căng đau trong thời gian kinh nguyệt?
2. Cách khắc phục tình trạng căng đau ở ngực
- Tiếp cận từ bên ngoài
- Tiếp cận từ bên trong
Tại sao ngực căng đau trong thời gian kinh nguyệt?
Ngực căng đau ngay trước khi hành kinh
Phần ngực của phụ nữ có xu hướng căng lên trước và trong kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân chủ yếu là do nội tiết tố nữ Progesterone tăng mạnh trong khoảng thời gian này.
Progesterone gia tăng làm cho cơ thể tích tụ nước ở một số vị trí, bao gồm cả phần ngực, từ đó dẫn tới tình trạng căng đau ở bộ phận này. Ngoài ra, việc gia tăng lượng nước tích tụ còn làm giãn nở các mạch máu ở tuyến vú, vì vậy ngay cả những kích thích hay cử động cơ thể nhỏ nhất cũng có thể gây nên cảm giác đau.
Tình trạng căng ngực tiếp diễn trong khi có kinh nguyệt
Hormone gây căng ngực là Progesterone bắt đầu giảm dần khi có kinh nguyệt, do đó thông thường tình trạng đau ngực cũng sẽ biến mất. Tuy nhiên, nếu bạn có lối sống không lành mạnh, hoặc tích tụ căng thẳng, cân bằng hormone có thể bị rối loạn, khiến tình trạng đau ngực tiếp diễn kéo dài.
Ngoài ra, nếu bị đau ở mức độ nghiêm trọng, hoặc xuất hiện khối u ở vùng ngực, bạn cần nhanh chóng đi khám bác sĩ để kiểm tra khả năng mắc phải các bệnh như viêm vú, u xơ tuyến vú hoặc ung thư vú, v.v.
Cách khắc phục tình trạng căng đau ở ngực
Tiếp cận từ bên ngoài
Massage là một biện pháp hiệu quả giúp giảm căng đau ở vùng ngực.
Khi thực hiện, bạn xoa bóp nhẹ nhàng theo chuyển động tròn quanh ngực. Điều này sẽ giúp thư giãn cơ ngực, cải thiện lưu lượng máu, và đem lại hiệu quả giảm đau. Bạn nên thực hiện với nhịp độ chậm rãi, thoải mái, có thể kết hợp cùng việc sử dụng dầu massage để làm tăng hiệu quả thư giãn. Việc massage cũng sẽ đem lại nhiều hiệu quả hơn, nếu bạn thực hiện sau khi làm ấm cơ thể, chẳng hạn như sau khi tắm nước nóng.
Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy căng đau ngực hoặc khó thở vào ban ngày, bạn nên chuyển sang loại áo ngực ít co thắt (chẳng hạn như áo ngực không dây), chất liệu thoải mái hoặc có kích cỡ lớn hơn.
Tiếp cận từ bên trong
Chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh cũng có thể là nguyên nhân làm mất cân bằng nội tiết tố và gia tăng căng thẳng ở vùng ngực.
Hãy chú ý duy trì một chế độ ăn uống cân đối với đầy đủ 5 nhóm chất dinh dưỡng chính (bao gồm tinh bột, chất béo, protein, khoáng chất và vitamin). Nên ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, kết hợp với việc vận động cơ thể và ngủ đủ giấc.
Canxi và vitamin B6 là hai dưỡng chất vô cũng quan trọng và có tác dụng làm giảm căng đau ở ngực:
- Canxi có nhiều trong hạt đậu nành, sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, bơ hoặc phô mai.
- Vitamin B6 có nhiều trong cá ngừ, gan và chuối.
Nếu không thể nạp đủ hai dưỡng chất này thông qua việc ăn uống hàng ngày, bạn có thể tham khảo các sản phẩm viên uống bổ sung vitamin.
Nếu tình trạng đau không thuyên giảm, hoặc trở nên quá nghiêm trọng, bạn nên nhanh chóng đi khám bác sĩ vì đây cùng có thể là dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm.