Tại Sao Bạn Trở Nên Mất Động Lực Khi Tới Kỳ Kinh Nguyệt?
Jul 24, 2024
Không ít phụ nữ phải đối mặt với cảm giác uể oải, mất động lực, và không muốn làm gì mỗi khi tới kỳ kinh nguyệt. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao bạn dễ cảm thấy mất động lực mỗi khi tới tháng, và cách để giải quyết tình trạng nói trên.
Mục lục
・Tại sao bạn dễ cảm thấy mất động lực trong kỳ kinh nguyệt?
・Phương pháp giải quyết
・Kết luận
Tại sao bạn dễ cảm thấy mất động lực trong kỳ kinh nguyệt?
①Suy giảm nội tiết tố
Estrogen là hormone kích thích tiết ra Serotonin, chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng ổn định tinh thần. Do vậy, khi hormone Estrogen suy giảm trong thời kỳ kinh nguyệt, Serotonin cũng giảm theo, khiến phụ nữ dễ trở nên bất an, buồn bã, hoặc cảm thấy mất động lực mỗi khi tới kỳ kinh nguyệt.
②Gia tăng đường huyết
Trong giai đoạn hoàng thể (giai đoạn từ khi kết thúc quá trình rụng trứng đến khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt), một lượng lớn nội tiết tố nữ Progesterone được tiết ra để chuẩn bị cho quá trình mang thai. Trong khi Insulin có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu, Progesterone lại có khả năng làm suy yếu các hoạt động của Insulin. Do đó, khi bước vào kỳ kinh nguyệt, lượng Progesterone tăng cao sẽ khiến cho đường huyết gia tăng.
Khi lượng đường trong máu tăng cao, Insulin cũng tiết ra nhiều hơn nhằm điều hòa mức đường huyết. Tuy nhiên, Insulin cũng có tác dụng ức chế sản sinh Dopamine, vốn là chất tạo động lực và cảm giác hưng phấn. Việc suy giảm Dopamine trong cơ thể sẽ khiến bạn dễ rơi vào trạng thái chán nản, không có động lực để làm bất kỳ điều gì.
Phương pháp giải quyết
Cảm giác mất động lực mỗi khi tới tháng có liên quan mật thiết đến sự thay đổi hormone. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, điều quan trọng nhất là cố gắng ổn định sự cân bằng giữa hormone và hệ thần kinh tự trị trong cơ thể.
①Chế độ ăn uống
Trong các bữa ăn hàng ngày, hãy cố gắng nạp đủ cả 3 nhóm chất, bao gồm: đường bột (carbohydrate), chất béo (fat), và chất đạm (protein). Có nhiều chế độ ăn kiêng khuyên bạn cắt giảm một phần, hoặc cắt giảm hoàn toàn, một trong các nhóm chất nêu trên. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến mất cân bằng hormone, và ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thần kinh tự trị. Thay vào đó, bạn nên ăn đầy đủ cả 3 nhóm chất, và tính toán khẩu phần ăn hợp lý.
Ngoài ra, cần chú ý bổ sung đầy đủ chất Isoflavone. Đây là chất có chức năng tương tự như các nội tiết tố nữ trong cơ thể. Isoflavone được tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm như đậu phụ, hoặc hạt đậu nành.
② Chú trọng giấc ngủ
Khi bạn thiếu ngủ, chức năng của não bộ suy giảm, và làm ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thần kinh tự trị. Điều này cũng là nguyên nhân gây nên mất cân bằng nội tiết tố.
Ngoài ra, nếu bạn uống rượu, hoặc sử dụng điện thoại, máy tính, ngay trước lúc đi ngủ, hệ thần kinh sẽ bị kích thích, làm giảm chất lượng giấc ngủ của bạn. Do vậy, bạn nên tránh các loại đồ uống kích thích như cà phê, rượu, bia, đồng thời tránh sử dụng các các loại thiết bị điện tử trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ.
③Tập yoga
Các bài tập Yoga có tác dụng giúp điều hòa và cân bằng hệ thần kinh tự trị. Dưới đây là một vài tư thế yoga đơn giản mà bạn có thể thử:
Tư thế hình tam giác
Thực hiện tư thế này ngay sau khi thức dậy vào buổi sáng sẽ giúp hệ thần kinh giao cảm của bạn hoạt động mạnh mẽ hơn. Điều này sẽ giúp bạn bắt đầu ngày mới một cách sảng khoái và đầy phấn chấn.
Tư thế gasseki
Thực hiện tư thế này trước khi đi ngủ có thể giúp thư giãn cơ thể và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Bạn thực hiện bằng cách ngồi chụm hai lòng bàn chân lại với nhau, lưng duỗi thẳng, từ từ hạ thấp phần thân trên, đồng thời hít thở sâu 5 lần.
④Bấm huyệt
2 huyệt đạo có tác dụng tới kinh nguyệt là Huyệt Tâm m Giao và Huyệt Huyết Hải.
Huyệt Tam m Giao nằm ở mặt trong của cổ chân, phía trên mắt cá chân khoảng 3 thốn (tương đương với 6,5 cm). Bạn có thể kích thích huyệt này bằng cách đặt ngón tay vào vị trí của huyệt và massage nhẹ nhàng.
Huyệt Huyết Hải nằm ở vùng lõm trên đầu gối khoảng 2 cm. Bạn có thể sử dụng ngón tay cái để xoa vào huyệt này.
Kết Luận
Trong thời kỳ kinh nguyệt, bạn dễ cảm thấy buồn bã, chán nản, và không có động lực để làm bất kỳ điều gì. Điều này là hoàn toàn bình thường, do ảnh hưởng của những thay đổi về mặt nội tiết tố. Không cần phải quá ép buộc bản thân, thay vào đó hãy cố gắng trong phạm vi có thể, và cho phép cơ thể bạn được nghỉ ngơi. Nếu tình trạng này kéo dài và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bạn, nó có thể xuất phát từ các nguyên nhân khác, chẳng hạn như bệnh trầm cảm. Trong trường hợp đó, hãy nhanh chóng đi khám bác sĩ để nhận được sự hỗ trợ y tế kịp thời.