Cách Khắc Phục Tình Trạng Tiêu Chảy Trong Thời Gian Kinh Nguyệt
Jul 17, 2024
Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, cũng như các cách hiệu quả để khắc phục tình trạng tiêu chảy xảy ra trong thời gian kinh nguyệt.
Mục lục
- Vì sao tiêu chảy dễ xảy ra trong thời gian kinh nguyệt?
- Cách đối phó với tình trạng tiêu chảy
- Tình trạng tiêu chảy nghiêm trọng
Vì sao tiêu chảy dễ xảy ra trong thời gian kinh nguyệt?
Nguyên nhân khiến bạn dễ bị tiêu chảy mỗi khi tới kỳ kinh nguyệt là do sự thay đổi về mặt nội tiết tố.
Trước và sau thời kỳ rụng trứng, lượng nội tiết tố Progesterone tiết ra tăng lên. Progesterone có tác dụng ức chế co bóp tử cung, đồng thời làm chậm quá trình vận chuyển phân ở ruột. Vì vậy, khi một lượng lớn Progesterone được tiết ra trong giai đoạn rụng trứng, nhu động ruột bị ức chế khiến bạn dễ bị táo bón trong giai đoạn này.
Khi kỳ kinh nguyệt của bạn bắt đầu, lượng Progesterone giảm xuống, giúp loại bỏ các triệu chứng táo bón. Mặt khác, Prostaglandin, là nội tiết tố nữ làm tăng các cơn co thắt ở tử cung, được tiết ra nhiều hơn. Prostaglandin có tác dụng kích thích chức năng của ruột, vô tình gây ra hiện tượng đau bụng và tiêu chảy.
Cách đối phó với tình trạng tiêu chảy
① Tránh để cơ thể bị lạnh
Để đối phó với bệnh tiêu chảy do thay đổi cân bằng nội tiết tố, hãy chú ý giữ cho cơ thể không bị lạnh để cải thiện lưu thông máu. Việc làm ấm dạ dày còn có thể giúp ngăn chặn nhu động ruột bị kích thích quá mức. Hãy thử mặc quần áo dày hơn bình thường, tắm nước nóng, và ăn những thực phẩm có tác dụng làm ấm cơ thể từ bên trong, ví dụ như gừng.
②Cẩn thận với các loại đồ ăn
Bạn cần tránh xa các loại thực phẩm làm kích thích ruột và dễ dẫn tới tiêu chảy, ví dụ như đồ ăn cay, hoặc đồ ăn lạnh. Bạn cũng nên thận trọng với cà phê, các loại trái cây và các loại đậu.
Lượng đường có trong trái cây và các loại đậu có thể gia tăng lượng nước tích tụ trong ruột và dễ gây nên tiêu chảy.
③Sử dụng thuốc tiêu chảy
Nếu bạn lo lắng về việc tiêu chảy xuất hiện đột ngột khi bạn đang đi học hoặc đi làm, hãy chuẩn bị thuốc trị tiêu chảy và mang theo bên mình. Tốt hơn hết, bạn nên chuẩn bị loại có thể uống trực tiếp mà không cần nước. Như đã giải thích ở trên, nguyên nhân gây tiêu chảy trong kỳ kinh nguyệt là do gia tăng nội tiết tố Prostaglandin. Do đó, có nhiều loại thuốc trị tiêu chảy hoạt động theo cơ chế làm ức chế sự tiết ra Prostaglandin trong cơ thể, mà bạn có thể tìm mua tại các hiệu thuốc.
Tình trạng tiêu chảy nghiêm trọng
Tiêu chảy trong thời kỳ kinh nguyệt là một trong những triệu chứng thường gặp. Nếu các triệu chứng tiêu chảy dần thuyên giảm khi kỳ kinh nguyệt kết thúc, thì bạn không cần phải lo lắng về bất kỳ bệnh lý nào. Tuy nhiên, nếu tình trạng tiêu chảy tiếp tục kéo dài hãy tham khảo ngay ý kiến của các bác sĩ.
Khả năng mắc bệnh về đường tiêu hoá
Nếu bạn thường xuyên bị tiêu chảy hoặc táo bón, đây có thể không chỉ do mất cân bằng nội tiết tố, mà còn do các bệnh về đường tiêu hóa (ví dụ như hội chứng ruột kích thích). Trong trường hợp này, bạn cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tại các bệnh viện.
Các bài thuốc cổ truyền
Tại bệnh viện, bạn có thể được kê đơn thuốc chống viêm không chứa Steroid, hoặc các bài thuốc thảo dược cổ truyền để ức chế sự tiết ra Prostaglandin. Thuốc thảo dược có công dụng chủ yếu trong việc cải thiện tuần hoàn máu và thể trạng cơ thể nói chung, do đó không có tác dụng chữa trị trực tiếp, mà chỉ có thể giảm bớt các triệu chứng của tiêu chảy một cách gián tiếp. Tuy nhiên, nếu được sử dụng kết hợp cùng thuốc tiêu chảy, có thể đem lại hiệu quả vừa chữa trị trực tiếp, vừa cải thiện sức khỏe cơ thể từ gốc rễ.
Thuốc tránh thai liều thấp
Thuốc tránh thai liều thấp cũng có thể làm giảm các triệu chứng đau bụng kinh và tiêu chảy. Các loại thuốc này thường có tác dụng ngăn cản sự rụng trứng, từ đó hạn chế sự tiết ra Prostaglandin. Nếu bạn muốn sử dụng thuốc, bắt buộc phải tham khảo ý kiến của bác sĩ để cân đối liều lượng một cách phù hợp.