Đối Phó Với Cảm Giác Cáu Gắt Trước Kỳ Kinh Nguyệt

Jul 24, 2024

https://reliable-friends-900b141288.media.strapiapp.com/140_21a35b3944.webp

Mục lục

  • Vì sao bạn dễ cảm thấy cáu gắt trước kỳ kinh nguyệt?
  • 3 cách làm giúp giảm cáu gắt
  • Lưu ý về Serotonin trong chế độ ăn uống
  • Cách suy nghĩ để không còn nổi cáu
  • PMDD có thể là nguyên nhân khiến bạn cáu gắt
  • Khi cảm thấy tức giận hãy chú ý đến hơi thở
  • Nếu lỡ xích mích với mọi người
  • Kết Luận

Vì sao bạn dễ cảm thấy cáu gắt trước kỳ kinh nguyệt?

Trước mỗi kỳ kinh nguyệt, bạn có cảm thấy bản thân dễ trở nên cáu gắt và lỡ làm tổn thương tới các mối quan hệ xung quanh? Bài viết này sẽ giới thiệu tới bạn những phương pháp khắc phục hiệu quả, đồng thời giải thích vì sao tình trạng này lại hay xảy ra. Hãy cùng tham khảo ngay nhé!

3 cách làm giúp giảm cáu gắt

Vận động để giải tỏa cảm xúc

Tập thể dục giúp cho cả cơ thể lẫn tâm trí của bạn trở nên sảng khoái hơn. Bạn có thể đi tới phòng gym và tập các bài tập làm ra mồ hôi, hoặc chỉ cần đi bộ nhẹ nhàng cũng có thể đem lại hiệu quả tích cực. Nếu bạn không muốn tập thể dục, có thể thử những cách khác để giải tỏa cảm xúc tích tụ, chẳng hạn như hát lên thật to, hoặc khóc lớn khi xem một bộ phim cảm động.

Trò chuyện với những người có suy nghĩ tích cực

Hãy tham khảo cách giải tỏa căng thẳng từ những người có suy nghĩ và lối sống tích cực xung quanh bạn. Thông qua trò chuyện, biết đâu bạn có thể học được từ họ nhiều mẹo hay để áp dụng vào trường hợp của mình.

Đảm bảo việc ngủ đủ giấc

Khi mệt mỏi tích tụ, tâm trí bạn cũng trở nên nặng nề và dễ cáu kỉnh. Hãy giải tỏa sự mệt mỏi này bằng cách cho phép bản thân được nghỉ ngơi đầy đủ vào cuối ngày.

Lưu ý về Serotonin trong chế độ ăn uống

Serotonin còn được gọi là “hormone hạnh phúc”, vì đây là chất cần thiết để giúp não bộ tạo ra cảm giác này. Hãy tích cực ăn các thực phẩm lên men như sữa chua, đậu tương lên men (natto), hoặc phô mai. Vi khuẩn đường ruột trong thực phẩm lên men giúp thúc đẩy sự tiết Serotonin trong ruột, và Serotonin sau đó sẽ được truyền đến não.

Cách suy nghĩ để không còn nổi cáu

Chánh niệm・Thiền hơi thở

“Chánh niệm” là một bài tập suy nghĩ có tác dụng giúp giảm sự kích động. Bằng cách thừa nhận tất cả sự tức giận, khó chịu có trong bạn, cảm xúc này sẽ tự nhiên lắng xuống.

Ngoài ra, bạn có thể thực hiện “thiền hơi thở”, tức là chỉ tập trung vào hơi thở và không suy nghĩ về những điều khác, qua đó hiểu sâu hơn về trạng thái bên trong của mình và học được cách kiểm soát căng thẳng tốt hơn.

Không mong đợi từ người khác

Một trong những nguyên nhân gây nên cảm giác cáu giận là do bạn đặt quá nhiều kỳ vọng ở người khác. Nếu bạn thấy cáu giận khi ai đó không hiểu, hoặc không làm theo ý bạn, đó có thể không phải do lỗi của họ, mà do bạn đang đặt kỳ vọng quá cao.

142.webp

Điều quan trọng trong các mối quan hệ là tin tưởng và tôn trọng sự lựa chọn của đối phương. Khi bạn biết cách tôn trọng quyết định của mọi người và không áp đặt giá trị của bản thân lên họ, bạn sẽ nhận thấy mình bớt cáu gắt hơn.

PMDD có thể là nguyên nhân khiến bạn cáu gắt

Có thể bạn đã từng nghe tới cụm từ PMS, hay Hội chứng tiền kinh nguyệt. Khi các triệu chứng về mặt tâm lý của PMS trở nên nghiêm trọng, tình trạng này được gọi là PMDD, hay

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt.

Các triệu chứng của PMS và PMDD xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố nữ trước kỳ kinh nguyệt, làm phá vỡ sự cân bằng của hệ thần kinh tự trị. Các dấu hiệu thường gặp ở PMDD bao gồm cáu gắt, khó chịu, dễ xúc động và mau nước mắt, hoặc cảm thấy thiếu động lực.

Khi cảm thấy tức giận hãy chú ý đến hơi thở

Tuy không thể trực tiếp kiểm soát hệ thống thần kinh tự trị, bạn có thể kiểm soát được hơi thở của mình. Khi cảm thấy căng thẳng, hơi thở sẽ trở nên nông hơn và hệ thần kinh giao cảm bắt đầu chiếm ưu thế. Lúc này, bạn cần ý thức được hơi thở của mình, đồng thời thực hiện hít thở sâu để giúp hệ thần kinh phó giao cảm hoạt động tốt hơn, lấy lại cân bằng ở hệ thần kinh tự trị.


Nếu lỡ xích mích với mọi người

Bạn không thể kiểm soát được những triệu chứng của PMDD, và cảm giác tức giận, khó chịu do PMDD đem lại có thể khiến bạn vô tình xích mích với mọi người xung quanh. Tốt nhất là bạn không nên để điều này xảy ra, tuy nhiên nếu có lỡ tức giận, hãy nhanh chóng bình tĩnh lại và xin lỗi đối phương để hàn gắn mối quan hệ.

Nếu đối phương là phụ nữ, bạn có thể nhận được sự thông cảm bằng cách giải thích với họ rằng bạn bị kích động do sắp đến kỳ kinh nguyệt. Trong trường hợp đối phương là nam giới, bao gồm cả chồng hay bạn trai, hãy giải thích với họ rằng sự thay đổi về mặt hormone làm bạn trở nên dễ nổi cáu.

Tuy nhiên, kể cả khi nhận được sự thấu hiểu từ phía đối phương, bạn vẫn nên tự xem xét lại bản thân xem điều gì đã làm bạn nổi cáu. Biết đâu, đây là những cơn giận không đáng có và hoàn toàn có thể tránh được, kể cả khi bạn bị ảnh hưởng bởi PMDD.

Kết Luận

Kinh nguyệt ở phụ nữ xảy ra hàng tháng, do đó hãy cùng học cách đối phó với những cơn giận để giúp cho tâm trạng của bạn trở nên thoải mái hơn. Cảm giác cáu gắt trước kỳ kinh nguyệt là do nội tiết tố nữ gây ra, do đó thay vì đổ lỗi cho chính mình, hãy để cho bản thân bạn được thư giãn.