Nguyên Nhân Bạn Cảm Thấy Mệt Mỏi Gia Tăng Vào Trước Thời Kỳ Kinh Nguyệt
Jul 17, 2024
Cảm giác mệt mỏi là một trong những triệu chứng PMS (Hội chứng tiền kinh nguyệt) phổ biến mà nhiều phụ nữ gặp phải. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về PMS nói chung, cũng như nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng mệt mỏi nói riêng.
Mục lục
Hội chứng tiền kinh nguyệt
PMS (hội chứng tiền kinh nguyệt) là tập hợp các triệu chứng khó chịu về thể chất lẫn tinh thần, thường xuất hiện khoảng 1-2 tuần trước kỳ kinh nguyệt và kết thúc khi bạn bắt đầu hành kinh.
Nguyên nhân của PMS (Hội chứng tiền kinh nguyệt) vẫn chưa được tìm ra một cách rõ ràng. Tuy nhiên, việc hai hormone là Estrogen và Progesterone giảm nhanh trong giai đoạn hoàng thể và giai đoạn tiền kinh nguyệt được cho là có liên quan đến các triệu chứng của PMS.
Các triệu chứng PMS có thể bắt đầu xuất hiện ở tuổi dậy thì và sau đó có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn cùng với tuổi tác. Các triệu chứng dễ gặp phải ở độ tuổi 20 là trầm cảm, ở độ tuổi 30 là cáu kỉnh, dễ nổi giận, đồng thời xuất hiện các cơn đau về thể chất như đau đầu, đau lưng dưới, hoặc đau bụng. Nghiên cứu cho rằng, mức độ ảnh hưởng của nội tiết tố nữ thay đổi tùy theo từng giai đoạn của cuộc đời, do đó các triệu chứng PMS cũng không cố định, mà thay đổi liên tục ở từng độ tuổi.
Vì sao bạn cảm thấy mệt mỏi trước kỳ kinh nguyệt?
Giai đoạn hoàng thể (xảy ra sau khi rụng trứng và trước kỳ kinh nguyệt) là khoảng thời gian cơ thể phụ nữ chuẩn bị cho việc mang thai. Sau khi rụng trứng, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone Progesterone, nhằm làm tăng khả năng thụ thai. Progesterone có nhiệm vụ giữ cho cơ thể trong trạng thái nghỉ ngơi ổn định để trứng được thụ tinh dễ dàng. Do đó, việc gia tăng Progesterone sẽ khiến bạn dễ cảm thấy mệt mỏi và mất sức, kể cả khi chỉ thực hiện những cử động nhỏ
Các triệu chứng khác của PMS
Các triệu chứng của PMS rất đa dạng, và có thể được chia thành 3 nhóm sau:
Triệu chứng về tinh thần: Cáu gắt, khó chịu; Đầu óc choáng váng; Cảm giác trầm cảm
Triệu chứng về thể chất: Mụn và các vấn đề ở da; Cơ thể mệt mỏi; Chướng bụng
Thay đổi trong sinh hoạt: Giảm khả năng tập trung; Mất hứng thú đối với các sở thích hay công việc hàng ngày; Thèm ăn và ăn nhiều hơn bình thường)
5 Cách đối phó với cảm giác mệt mỏi
Để giảm bớt cảm giác mệt mỏi, hãy chú ý tới 5 yếu tố sau đây:
1) Hướng tới một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ cả năm nhóm chất dinh dưỡng: carbohydrate, vitamin, khoáng chất, protein và chất béo
2) Tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày
3) Dành thời gian để thư giãn và giải tỏa căng thẳng
4) Tắm nước nóng ở nhiệt độ khoảng 38-40 độ C
5) Đảm bảo chất lượng giấc ngủ để cơ thể được phục hồi
Bí quyết cải thiện chất lượng giấc ngủ
Để có được một giấc ngủ tốt hơn, có 3 yếu tố quan trọng mà bạn cần lưu ý, đó là: nhiệt độ cơ thể, Melatonin, và chu kỳ giấc ngủ.
1.Nhiệt độ cơ thể
Nhiệt độ cơ thể cao có thể khiến việc chìm vào giấc ngủ trở nên khó khăn. Do đó, hãy tránh những hoạt động làm tăng nhiệt độ cơ thể, chẳng hạn như vận động mạnh hay tắm nước nóng, ngay trước khi đi ngủ.
2.Melatonin
Melatonin là một hormone có tác dụng gây buồn ngủ và thường được cơ thể tiết ra nhiều vào ban đêm. Melatonin sẽ bắt đầu tăng dần vào buổi tối khi mặt trời lặn và giảm dần vào buổi sáng khi mặt trời mọc. Điểm đáng lưu ý là cơ thể bạn sẽ ngừng tiết ra Melatonin khi tiếp xúc các nguồn sáng mạnh, ví dụ như từ màn hình điện thoại. Do đó, hãy tránh việc sử dụng điện thoại hay máy tính, và cân nhắc việc giảm độ sáng của các loại đèn trong phòng khi gần đến giờ đi ngủ.
3.Chu kỳ giấc ngủ
Việc ngủ trưa quá lâu có thể làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học và chu kỳ giấc ngủ của cơ thể. Nhiều người Việt có thói quen ngủ trưa dài từ 1-2 tiếng, tuy nhiên theo các khuyến cáo y tế bạn không nên ngủ trưa quá 30 phút để tránh tình trạng trằn trọc hay mất ngủ về đêm.