Cùng Tìm Hiểu Về Bệnh Thiếu Máu Do Kinh Nguyệt

Jul 16, 2024

https://reliable-friends-900b141288.media.strapiapp.com/daa8b8_01bb2cdcc1404207aab2d500c33bae24_mv2_5ea6885f55.webp

Chảy máu quá mức trong kỳ kinh nguyệt có thể dẫn tới tình trạng thiếu máu.

Khi máu kinh nguyệt chảy ra quá nhiều, cơ thể sẽ thiếu đi chất sắt để tạo ra Hemoglobin trong hồng cầu, từ đó dẫn tới thiếu oxy. Các triệu chứng của thiếu máu bao gồm đánh trống ngực, khó thở, hụt hơi, chóng mặt và dễ mệt mỏi. Ở một số người có thể xuất hiện các triệu chứng khác như khuôn mặt nhợt nhạt, móng tay giòn và da thô ráp, v.v.

Mục lục

Rong kinh là gì?

Nguyên nhân của rong kinh?

Phòng ngừa bệnh thiếu máu

Rong kinh là gì?

Thông thường, lượng máu kinh nguyệt tiết ra sẽ rơi vào khoảng 20-140 ml. Rong kinh là tình trạng lượng máu kinh nguyệt tiết ra nhiều, hoặc thời gian hành kinh kéo dài hơn mức bình thường. Các triệu chứng của rong kinh bao gồm:

  • Máu kinh nguyệt đông thành cục
  • Cần dùng loại băng vệ sinh chống tràn cho cả ngày lẫn đêm
  • Xuất hiện các triệu chứng thiếu máu như khó thở, mệt mỏi

Nguyên nhân của rong kinh

Kinh nguyệt ra nhiều có thể do các bệnh về tử cung gây nên. Dưới đây là 2 bệnh lý phổ biến:

Lạc nội mạc tử cung

Thông thường, nội mạc tử cung sẽ phát triển ở bên trong tử cung. Bệnh lạc nội mạc tử cung xảy ra khi mô tương tự nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung, chẳng hạn như ở buồng trứng hoặc phúc mạc. Bệnh có xu hướng xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi 20-30, và có thể dẫn tới vô sinh.

U xơ tử cung

U xơ tử cung là những khối u lành tính hình thành trên thành tử cung. Bệnh được cho là xảy ra ở 20% đến 30% phụ nữ trên 30 tuổi.

Phòng ngừa bệnh thiếu máu

・Bổ sung đầy đủ chất sắt

Chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh thiếu máu. Cần lưu ý duy trì chế độ ăn lành mạnh, giàu chất sắt (có trong rau xanh, hải sản, gan, nghêu và các loại động vật có vỏ khác), đồng thời bổ xung nhiều protein.

・Tránh các thực phẩm giàu Tanin và chất xơ

Đồ uống có chứa tanin, chẳng hạn như cà phê hoặc trà, và thực phẩm giàu chất xơ, sẽ ức chế sự hấp thu sắt, vì vậy hãy tránh tiêu thụ chúng sau bữa ăn.


Nếu bạn muốn bổ sung sắt thông qua thực phẩm chức năng, hãy chọn viên uống bổ sung loại sắt Heme. Đây là loại sắt có tỷ lệ hấp thụ vào cơ thể cao nhất, do đó sẽ đem lại nhiều hiệu quả.

・Sử dụng dụng cụ nấu ăn làm từ sắt

Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng chảo gang, hoặc chảo sắt để nấu ăn, có thể giúp giảm thiểu tình trạng thiếu hụt sắt. Bằng cách sử dụng những dụng cụ này, bạn có thể gia tăng lượng sắt thêm vào mỗi bữa ăn, chỉ thông qua việc nấu nướng.

Làm gì khi bị thiếu máu?

Nếu cơ thể đột nhiên xuất hiện tình trạng thiếu máu, rất có thể bạn đang mắc phải một căn bệnh có liên quan đến việc chảy máu từ các cơ quan nội tạng. Nếu thường xuyên xuất hiện các triệu chứng như cảm thấy choáng váng, khó thở hoặc tim đập nhanh, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Nếu cơn choáng hoặc chóng mặt đến một cách đột ngột, đầu tiên hãy ngồi xổm xuống tại chỗ, tiếp theo nới lỏng thắt lưng và cúc quần, sau đó nghỉ ngơi cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm.