Mệt Mỏi Khi Đến Kỳ Kinh Nguyệt: Bật Mí 5 Cách Khắc Phục Hiệu Quả
Jul 17, 2024
Mệt mỏi, đau bụng, dễ cáu giận, lo lắng, v.v., là những triệu chứng nhiều phụ nữ gặp phải trong thời gian kinh nguyệt
Trong bài viết này, hãy cùng Flora tìm hiểu về nguyên nhân, cũng như 5 cách hiệu quả để giúp bạn vượt qua cảm giác mệt mỏi mỗi khi tới kỳ kinh nguyệt.
Mục lục
- Nguyên nhân gây mệt mỏi khi đến kỳ kinh nguyệt
- Cách khắc phục tình trạng mệt mỏi
- Bí quyết cải thiện chất lượng giấc ngủ
Nguyên nhân gây mệt mỏi khi đến kỳ kinh nguyệt
① Thay đổi thân nhiệt cơ bản
Thân nhiệt cơ bản ở phụ nữ thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt. Bạn có thể kiểm tra thân nhiệt cơ bản bằng cách đo nhiệt độ ngay sau khi vừa thức dậy. Hãy đo nhiệt độ trong tư thế nằm yên, không cử động để thu được kết quả chính xác.
Thân nhiệt cơ bản được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn nhiệt độ thấp trước khi rụng trứng và giai đoạn nhiệt độ cao sau khi rụng trứng. Điều này nghĩa là thời kỳ kinh nguyệt tương ứng với giai đoạn thân nhiệt thấp. Khi nhiệt độ cơ thể giảm trong thời kỳ kinh nguyệt, lưu thông máu trở nên kém, khiến bạn dễ cảm thấy mệt mỏi.
② Thiếu hụt máu
Trong thời kỳ kinh nguyệt, máu trên toàn bộ cơ thể sẽ ưu tiên tập trung về tử cung để máu kinh được thoát ra ngoài một cách dễ dàng. Điều này đôi khi có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt máu và làm giảm khả năng vận chuyển oxy lên não của cơ thể. Thiếu hụt oxy lên não có thể là nguyên nhân của các triệu chứng như buồn ngủ, mệt mỏi hay thiếu tỉnh táo.
③ Gia tăng căng thẳng
Khi các triệu chứng kinh nguyệt hàng tháng trở nên khó chịu, bạn có thể sẽ cảm thấy gia tăng căng thẳng mỗi khi phải bước vào chuỗi ngày “đèn đỏ”. Sự gia tăng căng thẳng này sẽ dẫn tới rối loạn hệ thần kinh tự chủ, gây nên cảm giác mệt mỏi và uể oải trên cơ thể.
④ Phản ứng với sự suy giảm hormone
Mỗi khi bước vào thời kỳ kinh nguyệt, cơ thể bạn sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho việc thụ thai. Khi trứng không được thụ tinh, các hormone liên quan đến việc mang thai sẽ trở nên không cần thiết và giảm đi một cách đột ngột. Cơ thể bạn có thể phản ứng lại sự giảm sút hormone này với các triệu chứng như mệt mỏi hay uể oải, kéo dài cho đến khi mức hormone tăng trở lại bình thường.
Cách khắc phục tình trạng mệt mỏi
Để khắc phục những tình trạng nêu trên, bạn cần giúp cho cơ thể được nghỉ đầy đủ về cả mặt thể chất lẫn tinh thần. Dưới đây là 5 điều bạn nên lưu ý:
- Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, kết hợp đủ 5 nhóm chất dinh dưỡng bao gồm tinh bột, vitamin, khoáng chất, chất đạm, và chất béo
- Duy trì tập luyện thể thao 30 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải
- Dành thời gian nghỉ ngơi một cách hợp lý
- Tắm nước nóng ở nhiệt độ 38-40 độ C
- Ngủ đủ giấc và chú trọng đến chất lượng giấc ngủ
Trong đó, việc cải thiện chất lượng giấc ngủ là quan trọng hơn cả, vì trong khi ngủ cơ thể sẽ sản sinh ra các hormone quan trọng để duy trì các hoạt động một cách hiệu quả. Vì vậy, nếu cảm thấy khó khăn với việc cải thiện cả 5 yếu tố trên trong cùng một lúc, thì lời khuyên dành cho bạn là hãy bắt đầu từ việc cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Bí quyết cải thiện chất lượng giấc ngủ
Để có được một giấc ngủ ngon, có 3 yếu tố quan trọng mà bạn cần lưu ý, đó là: nhiệt độ cơ thể, Melatonin, và chu kỳ giấc ngủ.
1.Nhiệt độ cơ thể
Nhiệt độ cơ thể cao có thể khiến việc chìm vào giấc ngủ trở nên khó khăn. Do đó, hãy tránh những hoạt động làm tăng nhiệt độ cơ thể, chẳng hạn như vận động mạnh hay tắm nước nóng, ngay trước khi đi ngủ.
2.Melatonin
Melatonin là một hormone có tác dụng gây buồn ngủ và thường được cơ thể tiết ra nhiều vào ban đêm. Melatonin sẽ bắt đầu tăng dần vào buổi tối khi mặt trời lặn và giảm dần vào buổi sáng khi mặt trời mọc. Điểm đáng lưu ý là cơ thể bạn sẽ ngừng tiết ra melatonin khi tiếp xúc các nguồn sáng mạnh, ví dụ như từ màn hình điện thoại. Do đó, hãy tránh việc sử dụng điện thoại hay máy tính, và cân nhắc việc giảm độ sáng của các loại đèn trong phòng khi gần đến giờ đi ngủ.
3.Chu kỳ giấc ngủ
Việc ngủ trưa quá lâu có thể làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học và chu kỳ giấc ngủ của cơ thể. Nhiều người Việt có thói quen ngủ trưa dài từ 1-2 tiếng, tuy nhiên theo các khuyến cáo y tế bạn không nên ngủ trưa quá 30 phút để tránh tình trạng trằn trọc hay mất ngủ về đêm.