Những Điều Cần Chú Ý Về Kinh Nguyệt Ở Độ Tuổi Dậy Thì

Jul 26, 2024

https://reliable-friends-900b141288.media.strapiapp.com/387_with_bgc_a6e706d115.png

Đối với nữ giới ở độ tuổi dậy thì, kinh nguyệt sẽ xuất lần đầu tiên. Tuy nhiên, ở độ tuổi này, chu kỳ kinh nguyệt vẫn chưa được ổn định, và các bạn nữ cũng thường chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về chủ đề kinh nguyệt. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu về thời điểm kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện, những kiến thức cơ bản về chu kỳ kinh nguyệt, biện pháp tránh thai, và cách xử lý cơn đau kinh nguyệt. Đây sẽ là tài liệu tham khảo rất hữu ích dành cho những bạn nữ ở độ tuổi dậy thì.

Mục lục

  • Thời điểm kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện
  • Chu kỳ kinh nguyệt ở độ tuổi dậy thì
  • “Có kinh nguyệt” = “Có thể mang thai”
  • Cách xử lý cơn đau do kinh nguyệt

Thời điểm kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện

386_with_bgc.png

Thông thường, kinh nguyệt bắt đầu ở độ tuổi dậy thì, khoảng từ 10 đến 14 tuổi. Nếu có kinh nguyệt trước 10 tuổi, đây là tình trạng bất thường về mặt sinh học, tuy nhiên không cần thiết phải điều trị. Nếu đến 16 tuổi kinh nguyệt vẫn chưa xuất hiện, thì đây được coi là tình trạng “chậm kinh nguyệt”. Nếu đến 18 tuổi vẫn chưa có kinh nguyệt, thì nguyên nhân có thể là do các bệnh lý hoặc rối loạn, gây nên tình trạng vô kinh nguyên phát. Nếu thấy có dấu hiệu kinh nguyệt đến muộn hơn so với bình thường, hãy cân nhắc việc đi khám phụ khoa.

Chu kỳ kinh nguyệt ở độ tuổi dậy thì

Chu kỳ kinh nguyệt ở tuổi dậy thì thường không ổn định do các hormone và chức năng của tử cung, buồng trứng vẫn còn chưa phát triển đầy đủ. Chu kỳ này thường trở nên ổn định hơn sau khoảng 3-4 năm kể từ khi bắt đầu có kinh nguyệt. Trong khoảng thời gian này, bạn nên luôn mang theo băng vệ sinh bên mình để chuẩn bị cho mọi tình huống, và ghi lại ngày có kinh vào lịch để tiện cho việc theo dõi. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các ứng dụng và ghi lại những thay đổi về cảm xúc, hoặc các triệu chứng về thể chất để hiểu rõ hơn về tình trạng kinh nguyệt của bản thân.


“Có kinh nguyệt” = “Có thể mang thai”

389_with_bgc.png

Kinh nguyệt bắt đầu đồng nghĩa với việc cơ thể bạn có khả năng mang thai. Bản chất của kinh nguyệt là hiện tượng xảy ra khi trứng rụng mà không được thụ tinh. Hiểu một cách đơn giản “có kinh nguyệt” = “có xảy ra rụng trứng” = “có khả năng mang thai”.

Tuy nhiên, việc mang thai khi tử cung và buồng trứng còn chưa phát triển toàn diện có thể gây nguy hiểm lớn cho cả mẹ và em bé. Vì vậy, việc hiểu rõ các biện pháp tránh thai là vô cùng quan trọng. Để bảo vệ bản thân, bạn nên cố gắng nắm vững các kiến thức về phòng tránh thai thông qua giáo dục giới tính.

Cách xử lý cơn đau do kinh nguyệt

390_with_bgc.png

Khi đau bụng kinh xuất hiện

Trên thực tế, có khoảng 70% nữ sinh trung học phải trải qua tình trạng đau bụng kinh. Đau bụng kinh xảy ra do tác động của một chất trong cơ thể gọi là Prostaglandin. Bạn không cần phải cố gắng chịu đựng những cơn đau này, có nhiều loại thuốc giúp hỗ trợ giảm đau mà bạn có thể sử dụng, chẳng hạn như thuốc thảo dược, thuốc giảm đau, hoặc thuốc tránh thai liều thấp. Khi dùng thuốc giảm đau, hãy kiểm tra kỹ hướng dẫn và chống chỉ định của thuốc, và nếu có thể bạn nên dùng những loại chuyên dành cho thanh thiếu niên. Có quan niệm cho rằng dùng quá nhiều thuốc sẽ dẫn tới hiện tượng “nhờn” thuốc, tuy nhiên điều này là không có căn cứ, vì vậy bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng.

Khi triệu chứng đau trở nên nặng hơn

Nếu triệu chứng đau bụng kinh hoặc các triệu chứng khác trước và trong kỳ kinh nguyệt trở nên trầm trọng hơn, bạn có thể đang mắc phải chứng “thống kinh”. Đây là tình trạng bệnh lý liên quan đến kinh nguyệt, ảnh hưởng đến khoảng 40% phụ nữ dưới 25 tuổi. Ngoài đau bụng kinh, còn có thể gặp phải các triệu chứng như đau thắt lưng, căng bụng, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi, cáu kỉnh, hoặc tiêu chảy, v.v. Trong trường hợp này, thuốc tránh thai liều thấp là một trong những phương pháp điều trị chính, có tác dụng giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt, đồng thời làm giảm bớt các triệu chứng. Ngoài ra, có khoảng 10% phụ nữ mắc phải các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung, và điều này cũng có thể gây nên những cơn đau kinh nguyệt nghiêm trọng. Bệnh cần được điều trị sớm, vì vậy nếu phát hiện có triệu chứng đau kinh nguyệt ở mức độ nặng, hãy xem xét việc đi khám phụ khoa.

Kết luận

Kinh nguyệt sẽ đồng hành cùng bạn cho đến khoảng 50 tuổi, khi này bạn sẽ bước vào độ tuổi mãn kinh. Hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về chủ đề này để có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn!